Thước đo của sự hài lòng

(NTO) Cải cách thủ tục hành chính đã và đang được các địa phương triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ nhằm giảm phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nhất là ở một số lĩnh vực “nhạy cảm” vì liên quan đến quyền lợi thiết thân đối với người dân như về đất đai, sở hữu nhà ở…

Để đánh giá một cách thực chất việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nêu trên, vừa qua UBND tỉnh đã có động thái tích cực đó là có kế hoạch tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của hộ gia đình, cá nhân,… đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại cấp huyện. Kết quả thật bất ngờ, đó là “điểm số” về sự hài lòng của người dân tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Đơn cử như: về thái độ ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đã có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm khi thực thi công vụ ngày càng được nâng cao…

Cán bộ văn phòng UBND phường Đô Vinh tận tình giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.
Ảnh: Sơn Ngọc

Điều này thể hiện ở chỉ số khảo sát về thái độ quan liêu, hách dịch của CB, CC, VC đã giảm chỉ còn 2% so với 5,4% hay thiếu trách nhiệm đã giảm đáng kể và chỉ còn 5,1% so với 11,3% của năm 2012. Đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, qua khảo sát cho thấy năm nay mức độ hài lòng là 74,7%, tăng 23,7%, còn mức độ không hài lòng đã giảm 7,5% so với 14% của năm 2012…

Những kết quả đã đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ CB, CC, VC tại các cơ quan, đơn vị không những không chấp hành nghiêm túc các quy định về thủ tục hành chính mà còn tỏ ra nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực khi thực hiện công vụ. Tình trạng “lót tay” thì được giải quyết nhanh nếu không thì… nhận rồi “để đó” vẫn còn xảy ra. Một số người dân qua khảo sát cho rằng đây là chuyện “tế nhị”, “khó nói” nhưng tương ứng với sự “không” này là có đến 48,6% hồ sơ không được giải quyết đúng hẹn. Cũng cần nói thêm là số hồ sơ giải quyết trễ hẹn năm 2014 chiếm 47,1% tăng 4,1% , cá biệt vẫn còn 10,7% hồ sơ trễ hẹn từ 1 tháng trở lên, tăng 7,7% so với năm 2012…

Nêu ra những con số trên để thấy rằng CB, CC, VC muốn được người dân hài lòng không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có “đạo đức” công vụ hay nói khác hơn là phải thực sự tôn trọng dân, gần dân và thật sự có trách nhiệm đối với dân. Mặc khác, từ kết quả khảo sát cũng cần đặt ra vấn đề là cần phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những trường hợp lợi dụng công vụ để tiêu cực, “hành” dân, nhũng nhiễu dân để vụ lợi cho cá nhân.