Tư tưởng khoan dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với lòng nhân ái bao la, Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực về lòng khoan dung, độ lượng. Chính tấm lòng bao la của Người đã cổ vũ, nâng đỡ con người bỏ thói hư, tật xấu, sửa chữa lỗi lầm, loại ác, phục thiện. Tất cả đều nhằm mục đích đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc, quy tụ bạn bè trong một thế giới hòa bình, nhân ái.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Trong toàn bộ các tác phẩm cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh đã toát lên tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, dành sự quan tâm trước hết đối với con người, khẳng định trước hết là vấn đề con người. Nếu tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là điểm khởi đầu trên con đường đấu tranh cách mạng để giành lại quyền làm người cho những người nộ lệ, thì bản Di chúc là một văn kiện vĩ đại, một di sản thiêng liêng, áng thiên cổ hùng văn, là những lời “để lại”, lời căn dặn cuối cùng của Người với toàn Đảng, toàn dân và cả đối với bạn bè thế giới. Xuyên suốt toàn bộ Di chúc của Hồ Chí Minh là một triết lý nhân văn cảo cả vì con người, trong đó tư tưởng khoan dung, nhân ái của Hồ Chí Minh là một giá trị đặc sắc làm nên linh hồn, nền tảng của “nền văn hóa tương lai” - nền văn hóa hòa bình.

Một con người khoan dung là người làm chủ về tư tưởng và hành động của mình, Hồ Chí Minh chính là hiện thân của lòng khoan dung, nhân ái cao cả. Tư tưởng khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp lương tri của cá nhân với lương tri của dân tộc, của nhân loại, của thời đại, đạt tới sự hài hòa cá nhân, dân tộc, nhân loại và thời đại, được kết tinh trong bản Di chúc lịch sử của chính Người.

Di chúc là những lời tâm nguyện dặn lại đối với thế hệ mai sau, là những trăn trở, bận tâm của người sau khi sự nghiệp giải phóng dân tộc hoàn thành. Nhưng điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao chính là triết lý khoan dung vì con người và sự nghiệp giải phóng con người. Quan điểm này đã thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả, triết lý nhân sinh vì con người mà Người đã dành hết tâm huyết trong suốt cuộc đời hoạt động của mình để cống hiến và hy sinh.

Trong mấy lời để lại, Người đã căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, từ chỗ nhận thức rõ vai trò, bản chất con người và mục tiêu xây dựng, bồi dưỡng con người mới xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cả niềm tin vào con người, vào nhân dân và dân tộc mình, nâng niu, trân trọng từng cá nhân con người. Ở Người, lòng yêu thương con người như một lẽ tự nhiên, không ép buộc, gượng gạo, sáo rỗng mà được thể hiện chính ở cái tâm trong sáng, ở cái đức khoan dung.

Trước hết, tình yêu thương, sự chia sẻ, biết ơn và giúp đỡ những người đã hi sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc, tôn vinh những người có công với cách mạng. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân, phải tạo mọi điều kiện để mọi thanh niên, phụ nữ, thương binh, bệnh binh có một cuộc sống tốt đẹp sau khi chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

"Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”[1].

Tình thương, lòng nhân ái, khoan dung bao la của Người không chỉ dành tặng đối với cách anh hùng, liệt sĩ, cán bộ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong mà còn dành cho cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ, dành cho họ những tình cảm đặc biệt, chia sẻ với họ sự mất mát hi sinh, nâng niu, đồng cảm với nỗi đau của các gia đình thương binh, liệt sĩ. “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[2]. Người mong mỏi Đảng và các cấp chính quyền chăm lo, tạo điều kiện giúp họ được sống yên ổn, có công việc làm ăn thích hợp để góp sức mình xây dựng lại đất nước. Đây cũng chính là sự thể hiện thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của Người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Đối với “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, có tư tưởng tốt, lập trường tư tưởng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[3].

Đối với thanh niên, khoan dung Hồ Chí Minh chính là sự nâng đỡ, chăm lo bồi dưỡng, dìu dắt. Từ trong bộn về của cuộc chiến tranh, khi sức khỏe đã giảm sút, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thể hiện một tầm nhìn xa của một nhà lãnh đạo, Người đã vạch rõ công việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ thanh niên – người chủ tương lai của nước nhà, là “tiền đồ”, là "rường cột” của đất nước. Điều này thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với thanh niên. Từ vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc, Người căn dặn phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Chế độ xã hội mới chỉ thành công khi thế hệ “tương lai của dân tộc” được chăm lo giáo dục, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”[4].

Trong “muôn vàn tình yêu thương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng chí, đồng bào, luôn có chỗ cho mọi người, mọi giới, trong đó, Người không quên dành tình cảm, sự quan tâm đối với phụ nữ. Phụ nữ là một nửa thế giới nhưng trong mỗi chế độ xã hội, mỗi giai đoạn lịch sử không phải lúc nào và ở đâu những người đứng đầu đất nước cũng nhìn nhận đánh giá đúng vị thế vai trò của nguời phụ nữ từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và những cống hiến của phụ nữ, họ là lực lượng đông đảo có vai trò quyết định đến sự thành công của cách mạng. Với vai trò và công lao to lớn của phụ nữ, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ phải có chính sách quan tâm, bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ để phụ nữ được giải phóng, tiến bộ và thực sự bình đẳng. “Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”[5]. Cùng với sự quan tâm, trân trọng, sự nâng đỡ của Đảng và Nhà nước đối với người phụ nữ, Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn chính bản thân mỗi chị em phụ nữ cần phải cố gắng vươn lên để khẳng định vị trí và vai trò của mình trong xã hội, có vậy mới có thể đảm bảo quyền bình đẳng cho chính mình.

Đối với nhân dân lao động mà chủ yếu là nông dân, khoan dung Hồ Chí Minh là sự cảm thông sâu sắc với họ, Người thấy rằng, người nông dân đã bao đời nay phải chịu đựng gian khổ, bị chế độ thực dân phong kiến và thực dân đế quốc áp bức bóc lột, lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh. Họ là những người hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, góp công, góp của cho cách mạng. Cho nên, sau khi nước nhà được độc lập, “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[6]. Người không quên căn dặn: “Đảng và Chính phủ… miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”[7]. Đây chính là tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống trọng dân, khoan thư sức dân là kế sách giữ nước vừa sâu gốc, vừa bền rễ của các bậc tiền nhân.

Đối với những người là nạn nhân của chế độ cũ, khoan dung Hồ Chí Minh biểu hiện ở thái độ trân trọng, cái nhìn rộng lượng đối với con người, với sự bao dung của một con người sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, lấy lòng tốt mà dung thứ, độ lượng với con người. Người chủ trương khoan hồng, đại độ, cảm hóa những người từng lầm đường lạc lối, những người mắc sai lầm khuyết điểm, những người từng có nợ máu với cách mạng và cả với những người ở bên kia chiến tuyến. Người vẫn luôn có niềm tin vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người dù họ đã một thời lầm lỗi. Hồ Chí Minh chỉ coi họ là “nạn nhân của chế độ cũ” và chủ trương “phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”[8]. Đây chính là truyền thống khoan dung, nhân ái của dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh kế thừa và nâng lên, trở thành triết lý khoan dung Hồ Chí Minh, văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh.

Khoan dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự thể tình thương yêu, sự quan tâm đối với những người cộng sản, đối với Đảng. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với sự trưởng thành, vững mạnh của Đảng. Vì vậy, trong Di chúc của mình, Người đã dành việc “trước hết” để nói về Đảng và yêu cầu “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” để Đảng đủ sức với vai trò lãnh đạo của mình. Muốn vậy, “trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, tự phê bình và phê bình theo Hồ Chí Minh chính là một trong những phương pháp tốt nhất để mỗi người tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Xét cho cùng, đó cũng là phương thức cơ bản giải phóng mọi tiềm năng của con người, để con người đạt tới sự hoàn mỹ, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Nhưng cái cao cả hơn mà Hồ Chí Minh đề cập trong tự phê bình và phê bình là “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tình đồng chí ở đây, ngoài những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, còn xuất phát từ tấm lòng độ lượng, khoan dung và nhân ái. Chính điều này đã làm cho Người trở thành một biểu tượng cao đẹp về lòng khoan dung, nhân hậu yêu thương con người; một mẫu mực tuyệt vời về cách đối nhân xử thế của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng.

Ở Hồ Chí Minh, khoan dung không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, dân tộc mà còn vươn ra đến tầm quốc tế - khoan dung quốc tế. Không chỉ dành sự quan tâm đối với con người, đối với nhân dân, mọi giai tầng, Hồ Chí Minh còn dành tình cảm, sự biết ơn đối bạn bè quốc tế, thể hiện lòng khoan dung, sự thủy chung trọn vẹn, trước sau như một, Người có ý định đến ngày đất nước thống nhất “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”[9]. Ở đây, khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh không phải là một sách lược mà là sự kế tục và phát triển truyền thống khoan dung, hòa hiếu, nhân ái của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử, đồng thời thể hiện bản chất nhân văn, chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Biểu hiện của lòng khoan dung là biểu hiện sức mạnh cách mạng, sức mạnh của cuộc kháng chiến chính nghĩa, kháng chiến không chỉ được lòng dân mà còn được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Khoan dung Hồ Chí Minh còn thể hiện lối sống chan hòa với tự nhiên, kể cả khi trở về với “thế giới người hiền” thì tư tưởng đó vẫn luôn được Người chú ý, quan tâm, mở rộng tấm lòng đến cả với tự nhiên. Trong Di chúc, Người không quên dặn dò các thế hệ sau này phải bảo vệ môi trường. Người đề xuất việc trồng cây để bảo vệ môi trường sinh thái, tốt cho nông nghiệp. Có thể nói, đức khoan dung Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến con người, thương yêu, quý trọng con người, tự giác phục vụ những lợi ích của con người mà đức khoan dung đó còn lan tỏa đến cả tự nhiên, gắn kết mối quan hệ hài hòa giữa con người với môi trường sống, con người với tự nhiên. Đây là sự nhất quán từ tư tưởng đến hành động, từ cuộc sống thường nhật cho đến lúc đi xa, nâng lên thành văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.616.

[2] [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616.

[3] [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.618.