Đạo đức kinh doanh

(NTO) Theo báo cáo của Bộ Y tế và Hội Ung thư Việt Nam tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư, mỗi năm nước ta có từ 130.000 đến 160.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó có khoảng 85.000 đến 115.000 người tử vong do căn bệnh này. Đây là thực tế đáng lo ngại về sự gia tăng không ngừng của căn bệnh thế kỷ.

Thực phẩm và môi trường sống là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư. Các loại thực phẩm từ rau, củ quả đến thịt động vật, gia súc… không ít thì nhiều đều nhiễm hóa chất có thể gây ung thư.

Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ vấn đề có hay không sự tồn tại của “đạo đức kinh doanh” trong nền kinh tế thị trường? Dẫu biết rằng, khi bước vào thương trường, mục đích của người kinh doanh đều là hướng đến lợi nhuận, điều đó hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề không phải tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi thủ đoạn, bất chấp việc tổn hại cho xã hội, nhất là sức khỏe của cộng đồng. Lợi nhuận có được phải từ công sức, tài năng của người kinh doanh, chứ không phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của người khác. Đừng vì lợi ích trước mắt, không nghĩ đến hậu quả về sau. Khi đó, người tiêu dùng sẽ quay lưng, tẩy chay sản phẩm nếu phát hiện ra sự làm ăn gian dối, lúc đó doanh nghiệp sẽ thất bại. Doanh nghiệp chỉ có thể khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình dựa trên chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp có đôi lúc đứng trước sự lựa chọn, làm dối lại có lợi, làm đúng lại không sinh lời. Vì vậy, rất cần sự có mặt của nhà quản lý để xử lý mâu thuẫn và cần tuân thủ nguyên tắc vì lợi ích cộng đồng. Mặt khác, các nhà quản lý cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho các doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về đạo đức kinh doanh. Vai trò của các cơ quan truyền thông cũng rất quan trọng trong vấn đề tuyên truyền.

Người tiêu dùng lựa chọn mua trái cây tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Đạo đức trong kinh doanh được giữ vững sẽ giúp cho doanh nghiệp làm giàu hợp pháp, bảo đảm hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh việc giáo dục đạo đức kinh doanh, các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những kiểu làm ăn gian dối. Không ít doanh nghiệp vì mải chạy theo lợi nhuận mà quên đi nghĩa vụ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. An toàn thực phẩm phải được bảo đảm kể từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm bón, bảo quản, vận chuyển… đến người dùng. Điều quan trọng là ý thức của chính người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ mình.

Nền tảng của sự phát triển và thành công là đạo đức. Chỉ khi nào vấn đề đạo đức kinh doanh được các nhà doanh nghiệp chú trọng quan tâm, khi đó mới không còn những thực phẩm nhiễm khuẩn, mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.