Thế giới trong tuần

1. Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels (Bỉ) hôm 23-10. Dịch Ebola là chủ đề hàng đầu bao trùm nỗi lo của các nhà lãnh đạo EU.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh những bất ổn tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mối quan hệ EU – Nga vẫn còn nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, dịch Ebola mới là chủ đề hàng đầu bao trùm nỗi lo của các nhà lãnh đạo EU.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: “Những gì tôi kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh lần này là chúng ta có thể giải quyết được một số nguy cơ mà các nước châu Âu đang đối mặt. Nguy cơ hàng đầu rõ ràng là cuộc khủng hoảng của dịch Ebola. Sẽ là rất quan trọng nếu chúng ta hành động tại ổ dịch bệnh Tây Phi. Anh đang dẫn đầu các nỗ lực tại Sierra Leone. Chúng tôi đã cam kết hơn 125 triệu bảng, cử quân đội cũng như các lực lượng khác tới đất nước này để hỗ trợ”.

Liên minh châu Âu dự kiến bổ nhiệm một điều phối viên để phối hợp các hành động của các nước, tăng cường kiểm soát tại các sân bay châu Âu có các chuyến bay đến từ vùng có dịch.

Một mục tiêu quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh lần này đó là các nhà lãnh đạo EU tập trung thảo luận về gói biện pháp chống biến đổi khí hậu.

2. Các động thái của Nga và châu Âu cho thấy hai bên có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và các biện pháp trừng phạt vẫn đi đôi với các cuộc đàm phán.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) vừa diễn ra tại Milan hồi tuần qua, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine và các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italia. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã tiếp tục đàm phán về hàng loạt những lệnh trừng phạt mà cả hai bên cùng áp đặt lên nhau.

Có một điều rõ ràng là những lệnh trừng phạt này ngay lập tức có hiệu lực, gây ảnh hưởng lên nền kinh tế của cả Nga và phương Tây. Đồng Rúp của Nga liên tục trượt giá trong những ngày qua và đây là hệ quả xuất phát từ những lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như sự suy giảm của giá dầu.

Nông nghiệp thực phẩm châu Âu thì phải chịu thiệt hại nặng nề từ các lệnh cấm của Nga. Đó là chưa kể tới nguy cơ châu Âu phải trải qua một mùa Đông giá rét chưa từng có, khi mà sự đảm bảo nguồn cung khí đốt từ Nga hiện vẫn chưa thể đạt được.

Có thể thấy, hai bên có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt. Và việc một bên cố gắng trừng phạt bên khác, có thể sẽ đem lại nhiều kết quả ngược với mong đợi.

3. Cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thị trấn chiến lược Kobani của Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo các nguồn tin từ thực địa, các tay súng IS hiện đã kiểm soát được gần một nửa thị trấn vùng biên này. Diễn biến đáng lo ngại này một lần nữa cho thấy phiến quân IS đang ngày càng mở rộng hoạt động và đang tiến gần tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin CNN trích nguồn tin từ thực địa cho biết, bất chấp các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành, phiến quân IS đã kiểm soát gần một nửa thị trấn Kobani. Trước đó, IS đã chiếm giữ trụ sở của lực lượng an ninh người Kurd tại Kobani.

Liên quan đến cuộc chiến tại Kobani, Liên Hợp Quốc cảnh báo, khoảng 700 dân thường hiện đang mắc kẹt tại thị trấn Kobani, trong đó phần lớn là người già, có thể sẽ bị “thảm sát” nếu phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chiếm được thị trấn này.

Lo ngại trước đà tiến công của IS, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã thúc giục cộng đồng quốc tế “làm mọi việc có thể” để ngăn chặn nhóm phiến quân nguy hiểm này.