Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước

(NTO) Bác Hồ là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước. Theo Người, yêu nước thì phải thi đua vì thi đua là bằng chứng cho tinh thần yêu nước của mỗi người, là điều kiện tốt nhất để mỗi người đóng góp sức mình làm cho đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, giàu mạnh, văn minh.

Trong suốt những năm bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước và sau này, khi Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với những trải nghiệm lịch sử dân tộc, Người đã tuyệt đối tin tưởng vào lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam và đã khẳng định: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta…”.

Để khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, Bác Hồ khi đó đã là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc vào ngày 11-6-1948, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và cũng từ đó, phong trào thi đua yêu nước luôn được Bác quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những việc làm thiết thực.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước
(Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 12-1966.

Chuyện kể lại rằng ngay sau khi phát động phong trào thi đua yêu nước trong phạm vi toàn quốc, Bác giao việc chủ trì cuộc vận động toàn dân tham gia phong trào Thi đua ái quốc, “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” năm 1948 cho ông Hoàng Đạo Thúy, một nhà văn hóa, một người hoạt động xã hội rất có kinh nghiệm. Khi ông Hoàng Đạo Thúy đến gặp Bác để xin Bác chỉ dẫn, Bác không nói nhiều mà Bác tặng ông một cái quạt. Sau đó, Bác chỉ nói một câu. Bác bảo: “Bác biếu chú một cái quạt để chú quạt cho phong trào lên”.

Hành động nhỏ của Bác nhưng có ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là trong việc phát động và tổ chức phong trào thi đua là phải làm thật. Trong bất kỳ công việc gì, dù lớn hay nhỏ đều cần phải thi đua làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều và quan trọng hơn là phải duy trì phong trào thi đua, tránh làm qua loa, đại khái, tránh làm theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”. Phải làm sao cho phong trào thi đua có sức lan tỏa rộng rãi và đều khắp đến mọi nơi, đến mọi tầng lớp nhân dân, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mặt khác, trong quá trình chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua cần sâu sát, thực tế, phù hợp trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở cơ sở, tránh chỉ ngồi bàn giấy, chỉ nghe báo cáo mà đánh giá phong trào. Việc tổ chức phong trào thi đua cần phải đấu tranh khắc phục và chống tận gốc căn bệnh thành tích, “làm thì láo, báo cáo thì hay”. Đây là căn bệnh đã tồn tại từ lâu và còn tồn tại dai dẳng cho tới ngày nay, ở nhiều nơi, ở nhiều cấp và ở nhiều ngành.

Ở nông thôn thường vẫn có chuyện khoa trương, hình thức vì bệnh thành tích. Chuyện kể, Bác về thăm một Hợp tác xã là lá cờ đầu của các hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi ở một tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi đến thăm, Bác đến tận luống đất, nhìn thấy cây héo, Bác nhổ lên và hỏi: “Các chú mới cắm hoa đón Bác đấy à, rễ của nó đâu, làm sao nó héo thế này?”.

Khi Bác vào thăm chuồng trại chăn nuôi, thấy đàn heo con to, con nhỏ mà lại cắn nhau chí chóe, Bác hỏi ngay: “Các chú nuôi thật hay mượn của nhà dân cho Bác xem?” và Bác nói: “Nếu các chú nuôi thật thì sao nó lại cắn nhau thế”, Bác còn nói: “Bắt những con nhảy ra khỏi chuồng vào, không dân người ta bắt đền đấy”. Không cần phải thanh minh, không cần phải kết luận, Bác chỉ ra ngay sự thật của vấn đề. Bác dặn một câu rất thấm thía: “Thôi, lần sau muốn Bác đến thăm nữa thì phải làm ăn cho tử tế, làm thật chứ đừng làm giả dối như thế nó hư thân mất nết đi, mà dân người ta oán, người ta ghét”. Và đúng như vậy, khi Bác đi rồi mới sinh chuyện. Vì lúc mượn cho Bác xem thì mượn vội vàng, có đánh dấu gì đâu, bây giờ trả cho nhà dân, quan liêu cứ mỗi hộ một con phát cho hết chuồng đó, dân không nhận, cãi nhau con gầy, con béo, con to, con nhỏ. Dân làng đang đoàn kết như vậy, chỉ vì mấy ông cán bộ xã mắc bệnh thành tích mà thành sinh chuyện mất đoàn kết, phải rút kinh nghiệm.

Có thể thấy rằng những lời nói, hành động trong việc phát động, chỉ đạo và kiểm tra phong trào thi đua yêu nước của Bác như những câu chuyện kể lại trên, tuy là những câu chuyện rất nhỏ, rất đơn giản nhưng lại là những bài học lớn cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta học tập.

Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Thuận lần thứ VI, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức, viên chức cần ôn lại và suy nghĩ về những bài học của Bác trong xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, để vừa thiết thực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động và lãnh đạo thực hiện, để vừa tham gia thực hiện tốt những phong trào thi đua do từng ngành, từng cơ quan đã phát động và đang tổ chức thực hiện, để góp phần cho phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ta phát triển cả bề rộng và bề sâu. Đồng thời, đó cũng là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức, viên chức thực hiện có hiệu quả hơn những nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.