Thực trạng hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

(NTO) Khi hồ sơ dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp (CCN) Thành Hải, Tháp Chàm và Du Long... được UBND tỉnh phê duyệt, hầu hết các nhà quản lý kinh tế đều có chung nhận định, xem đây là khâu “đột phá” để chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Thế nhưng, từ ngày công bố quy hoạch cho đến nay, tốc độ thu hút đầu tư vào các khu, CCN này vẫn còn quá chậm. Vậy, đâu là nguyên nhân?.

Chưa đủ sức vực dậy tiềm năng

Trước tiên nhìn từ CCN Thành Hải. Tiếng là CCN “trụ cột”, được đầu tư từ năm 2004, có quy mô trên 57 ha, nhưng sau 10 năm triển khai, đến nay CCN này cũng chỉ mới có 10 DN đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 31,75 ha và tỷ lệ lấp đầy CCN chỉ mới đạt 55,4%.

Cụm khu công nghiệp Thành Hải.

Điều đáng nói là trong 10 DN đăng ký đầu tư vào CCN này, đến nay có một DN đang “chết yểu” đó là Công ty TNHH TMXDDV May thêu xuất khẩu Hoàng Anh (OIC); 7 DN đã đầu tư và đi vào hoạt động, ngoại trừ 2 DN là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận và Công ty TNHH Thông Thuận bước đầu phát huy được năng lực sản xuất mới, còn lại 5 DN: Xí nghiệp Chế biến thạch cao (Công ty CP muối Ninh Thuận), Công ty CP Địa chất khoáng sản Việt Nam, Công ty TNHH TM&DV Yến Việt, Công ty TNHH MTV thuốc lá Sài Gòn, Công ty TNHH TM&XD Hoàng Nhân dù hoạt động đã khá lâu nhưng chưa đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hiện tại CCN Thành Hải có 2 DN đang trong giai đoạn đầu tư là: Công ty TNHH TM&DV đầu tư Công nghệ xanh và Công ty CP Thương mại Sabeco Nam Trung Bộ, nhưng theo đánh giá của đơn vị chủ quản tiến độ triển khai dự án của các DN này còn chậm.

Trong khi CCN Thành Hải như vậy, thì CCN Tháp Chàm cũng không mấy khả quan hơn. Với quy mô chưa đến 24 ha lại nằm ở vị thế không mấy “bắt mắt” nên đến nay CCN này cũng mới chỉ có khoảng 10 DN đăng ký đầu tư, trong đó hiện tại mới có 6 DN đi vào hoạt động là: Công ty CP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận, Công ty TNHH Phú Thủy, Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam, Công ty TNHH Thương mại Hải Đông, Công ty CP In bao bì Tân Định và Nhà máy sản xuất sản phẩm EPS của Công ty TNHH MTV Hồ Dương (mới hoàn thành tháng 8-2014). Số DN còn lại hầu hết do năng lực sản xuất yếu, nên việc đầu tư dự án không hoàn thành so với cam kết giữa nhà đầu tư với tỉnh. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy CCN này đến nay cũng chỉ mới đạt 56,4%.

Bà Trương Thị Liễu, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Đến cuối tháng 9 năm 2014, tại các khu, CCN của tỉnh ta số DN đang hoạt động có đóng góp vào nguồn thu cho tỉnh chỉ vỏn vẹn có 12 DN. Trong năm 2013, các DN này tham gia đóng góp vào ngân sách chưa đến 160 tỷ đồng và trong 9 tháng năm nay con số này dù có tăng thêm nhưng vẫn không đáng kể.

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?

Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân làm cho phần lớn dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ta nói chung và tại các khu, CCN nói riêng chậm triển khai so với cam kết, thứ nhất là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, mặt khác do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, nên nhiều nhà đầu tư “dè dặt” triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số DN do năng lực tài chính hạn chế, nên đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của các ngân hàng, trong khi đó mức lãi suất của hệ thống ngân hàng còn khá cao, nên các nhà đầu tư tỏ ra e ngại. Một vấn đề cũng không thể loại trừ, đó là nhiều nhà đầu tư đang thực hiện “kế sách giữ đất” để tìm đối tác “sang” lại dự án kiếm lãi!

Được biết, hiện nay tỉnh ta đang tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa để xây dựng phương án đầu tư phát triển thêm 2 CCN nữa là Quảng Sơn và Tri Hải; đồng thời trình Chính phủ xin chuyển đổi CCN Thành Hải thành KCN Thành Hải. Vì vậy, ngoài việc tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để giao đất sạch cho nhà đầu tư, tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xác định chính xác năng lực tài chính của các nhà đầu tư đã và đang đăng ký đầu tư hoặc đã được cấp Giấy phép đầu tư. Qua đó chọn đúng nhà đầu tư có nhu cầu thực sự, tránh tình trạng nhà đầu tư lợi dụng chủ trương, chính sách ưu đãi của tỉnh để “thuê đất nhiều nhưng làm ít”, hoặc sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN cần tăng cường đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ cam kết; quan tâm hơn nữa đến việc giám sát môi trường, đặc biệt trong tham mưu phê duyệt dự án cần ưu tiên các dự án có kỹ thuật, công nghệ cao, có khả năng tăng nguồn thu ngân sách và tạo được việc làm cho người dân địa phương. Đối với các khu, CCN đã giao cho các nhà đầu tư, nếu sau 2 năm vẫn chưa triển khai được công tác xây dựng kết cấu hạ tầng thì cần thu hồi lại giấy phép để chọn đối tác khác thực hiện.