Vấn đề hôm nay:

Làm gì để giảm nghèo bền vững?

(NTO) Tỉnh ta vừa phát động “Tháng hành động vì người nghèo” với cao điểm từ ngày 17-10 đến 18-11 nhằm huy động “tổng lực” sự đóng góp của các nguồn lực xã hội để giúp cho người nghèo trong tỉnh có cơ hội để giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong những năm qua, có thể nói Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”(CVĐ) mang đậm tính nhân văn sâu sắc này được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả, góp phần thiết thực chăm lo cho người nghèo, tạo sự đồng thuận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng thông qua nhiều hành động thiết thực, việc làm cụ thể. Chỉ tính từ năm 2009 đến 2013 toàn tỉnh đã huy động được gần 65 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Ninh Phước trao Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Phước Thái. Ảnh: Anh Tuấn

Từ nguồn tiền trên đã hỗ trợ xây dựng gần 9.500 căn nhà Đại đoàn kết (DĐK) đồng thời “tiếp sức” cho hàng ngàn hộ nghèo khác sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện sản xuất…Riêng từ năm 2013 đến nay đã huy động trên 17 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng trên 1.000 nhà ĐĐK. Qua đó đã góp phần quan trọng hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 2%/ năm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần quan tâm khắc phục như: CVĐ diễn ra chưa đồng đều ở các địa phương, cơ sở; quyết tâm của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và Ban vận động còn chưa thường xuyên. Kết quả vận động ở một số địa phương, cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ, chưa tích cực tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”….Mặt khác, thực tế cần được nhìn nhận đó là trong khi, đối với xã hội thì đói nghèo đồng nghĩa với kém phát triển còn với người nghèo sẽ là điều thua kém, cần nỗ lực để thoát nghèo nhưng vẫn còn một số hộ thiếu quyết tâm làm ăn, thậm chí còn cố bám vào diện nghèo để được hưởng các sự trợ giúp dành cho người nghèo. Đó là chưa kể những hộ có nhà cửa ổn định thậm chí kiên cố, ở trục đường chính thế nhưng các thành viên trong gia đình đang độ tuổi lao động lại biếng nhác…vậy là được địa phương, xếp vào diện hộ nghèo (do thu nhập thấp theo chuẩn). Chính từ hiện trạng đã nêu tạo nên sự so bì ngay trong những người cùng địa phương nhất là những hộ cận nghèo. Bởi lẽ, hộ nghèo luôn nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách Nhà nước cũng như xã hội nên làm nản lòng những hộ có ý chí muốn thoát nghèo…

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện đang ở mức 9,3%, tương ứng với trên 14.000 hộ nghèo cần được quan tâm và hàng ngàn ngôi nhà cần được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa. Do vậy, để CVĐ tiếp tục đạt hiệu quả, các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội; Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp cần phát huy những kết quả đã đạt được, biến mục tiêu của CVĐ thành mục tiêu và quyết tâm chung của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội.

Hiện nay, Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” đang đứng trước những đòi hỏi và thách thức mới, yêu cầu phải mở rộng và nâng cao chất lượng hơn nữa, việc xoá nghèo cần phải bền vững, tránh hiện tượng tái nghèo bằng việc “không giúp cần câu” cũng “không giúp xâu cá” để tạo nên sự ỷ lại mà theo chúng tôi điều cần giúp thiết thực nhất chính là cách thức làm ăn phù hợp với từng đối tượng cộng với số vốn cần thiết.