Tài chính cho khoa học-công nghệ: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Cách đây 40 năm, Hàn Quốc cũng đã “vật lộn” để tìm cho mình hướng đi trong hoạt động R&D và do có sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ, ý thức của chính các doanh nghiệp nên hiện nay Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước tốp đầu của thế giới về hoạt động R&D.

Tại buổi “Đối thoại chính sách: Kinh nghiệm của Hàn Quốc về cơ chế tài chính cho khoa học-công nghệ và hàm ý cho kinh nghiệm ở Việt Nam” do VTV phối hợp với Bộ KHCN Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WBG) tổ chức ngày 17/10 tại TPHCM, GS.TS Ju-Ho-Lee Bộ trưởng Giáo dục, KHCN Hàn Quốc cho biết, một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của hoạt động R&D chính là cơ chế và mức đầu tư về tài chính cho các hoạt động này.

Đối thoại chính sách về cơ chế tài chính cho khoa học-công nghệ

Theo GS.TS Ju-Ho-Lee, hiện nay ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu của Hàn Quốc đứng thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Nhật Bản, Đức. Nếu như năm 2012, Mỹ chi cho hoạt động R&D là 3.892 trăm triệu USD, chiếm 2,79% GDP thì Hàn Quốc cũng đã chi 379,3 trăm triệu USD, bằng 10% của Mỹ nhưng tỷ lệ đầu tư cho R&D lại chiếm tới 3,74% GDP của cả nước. Đặc biệt, năm 2014 mức chi này sẽ lên đến 4,5% GDP và chi cho các dự án của quốc gia năm 2014 lên đến 18 tỷ USD so với 14 tỷ năm 2012.

Số lượng cán bộ nghiên cứu tính trên 1 triệu dân của Hàn Quốc đã tăng từ 2.000 người năm 1996 lên 6.000 người năm 2011; tỷ lệ bằng sáng chế theo quốc gia của Hàn Quốc đã ngang bằng Đức và vượt Pháp, Canada, Nga.

Chia sẻ về kinh nghiệm để phát triển hoạt động R&D thành công và hiệu quả, xét về phương diện quốc gia, GS.TS Ju-Ho-Lee cho rằng, Chính phủ cần phải có những chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa để không chỉ thu lại hiệu quả kinh tế trước mắt mà còn đón đầu sự phát triển kinh tế trong tương lai. Bên cạnh đó, trong hoạt động R&D, Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu cần phải vạch ra các giải pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước.

Cụ thể, trong chính sách tập trung cho hoạt động R&D, Hàn Quốc đã có sự linh hoạt chuyển hướng tỷ tệ đối tượng nghiên cứu từ các viện, các trường đại học sang các doanh nghiệp (DN), đối tượng trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ của xã hội. Nếu như ở những năm 1980-1990, tỷ lệ hoạt động R&D tại các viện của Nhà nước là 75% thì hiện nay tỷ lệ này lại dành cho nghiên cứu của các DN.

Một thành công nữa trong hoạt động R&D của Hàn Quốc là chuyển hướng mục tiêu nghiên cứu từ khoa học cơ bản những năm trước đây sang nghiên cứu ứng dụng trong những năm gần đây để phục vụ sự phát triển kinh tế.

Điển hình, Viện KIST với đạo luật riêng được Chính phủ Hàn Quốc thông qua vào năm 1966 cho phép KIST có cơ chế tự chủ về tài chính và nghiên cứu. Chính vì vậy, KIST nói riêng và hoạt động R&D nói chung đã thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao ở nhiều nước trên thế giới bằng việc trả thu nhập cao, tạo ra môi trường nghiên cứu làm việc tốt, thuận lợi, đầu tư về nguồn tài chính cho các nhà khoa học để phát triển các dự án nghiên cứu.

GS.TS Ju-Ho-Lee khẳng định, về lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Chính phủ thì sẽ dẫn đến ỷ lại và khó tạo động lực cho DN phát triển hoạt động R&D. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bản thân các DN phải coi R&D là một trong những mục tiêu phát triển của chính DN mình.

V-KIST, động lực để R&D Việt Nam phát triển

TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN Việt Nam cho biết, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020, đã đến lúc Việt Nam cần phải có một cuộc cách mạng về hoạt động R&D để đổi mới toàn diện công nghệ của các DN, các Viện nghiên cứu, các trường đại học. Thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng Viện nghiên cứu khoa học Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST).

Đặc biệt, cuối tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cơ chế đặc biệt dành cho V-KIST. Theo đó, V-KIST sẽ được tự chủ về tài chính đặc thù bao gồm tự chủ về chi tiêu, quản lý tài sản. Đây là một trong những tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Với cơ chế này, V-KIST sẽ có thể thu hút được một đội ngũ các nhà khoa học trên thế giới và xây dựng độ ngũ các nhà khoa học giỏi.

Mô hình hoạt động của V-KIST sẽ theo phương thức có những dự án nghiên cứu quốc gia để nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bằng các sáng chế, đồng thời nghiên cứu theo đặt hàng của Nhà nước, của các doanh nghiệp, của địa phương. Không chỉ kết nối với DN để nghiên cứu theo yêu cầu đặt hàng của DN, V-KIST sẽ nắm bắt và tiên đoán, dự định trước nhu cầu của thị trường. Giai đoạn đầu V-KIST sẽ chủ yếu tập trung cho nghiên cứu ứng dụng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, mục tiêu sau 50 năm, V-KIST sẽ là viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam với cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực để phát triển; xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tiên tiến so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, với năng lực của nền kinh tế nước ta hiện nay, tỷ lệ chi 2% ngân sách cho R&D tuy không nhỏ nhưng về con số tuyệt đối thì còn rất nhỏ. Vì vậy, các DN Việt Nam phải nhận thức được, chỉ có hoạt động R&D mới tạo tiền đề để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường thế giới, khi đó, sự đầu tư, tập trung cho R&D của các DN mới có thể khởi sắc hơn so với hiện nay.

Viện V-KIST: Được xây dựng theo mô hình viện khoa học công nghệ Hàn Quốc, do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng ngân sách 70 triệu USD, trong đó 35 triệu là vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc và 730 tỷ đồng (35 triệu USD) là vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.

Giai đoạn đầu hoạt động của V-KIST dự kiến được thực hiện trong khoảng 4 năm. Năm 2015 sẽ khởi công xây dựng và hoàn tất cơ sở vật chất của viện vào năm 2017. Trụ sở chính của viện V-KIST đặt tại khu công nghiệp Hòa Lạc với diện tích là 20ha.

Nguồn www.chinhphu.vn