Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 18-10

* Sự kiện:

- Ngày 18-10-1930: Ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là Ngày truyền thống của văn phòng cấp ủy Đảng. Từ 14 đến 31-10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc Trung ương Đảng. Mặc dù tháng 5-1947, Văn phòng Trung ương Đảng mới chính thức được thành lập tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhưng căn cứ vào hoạt động thực tiễn của công tác Văn phòng phục vụ Trung ương Đảng, năm 2002, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 18-10-1930 là ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là Ngày truyền thống của văn phòng cấp ủy Đảng.

- Ngày 18-10-1945: Trên báo Cứu quốc, số 71, đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào tỉnh Lào Cai. Trong thư với những lời lẽ rất thân tình, Bác viết: “Hỡi đồng bào yêu quý ở Lào Cai! Tôi biết những ngày gần đây, đồng bào nóng ruột lắm! Mà nóng ruột là phải. Nước nhà độc lập rồi, lá quốc kỳ màu đỏ sao vàng đã phấp phới khắp nước Việt Nam. Ấy thế mà đồng bào yêu quý ở biên thùy, vì đường sá xa xôi nên không biết rõ tình thế, bảo không nóng ruột làm sao được? Tôi biết tấm lòng yêu nước thương nòi của đồng bào lúc này rất sôi nổi. Đấy là một chứng cớ rất tốt đẹp cho vận mệnh nước nhà... Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc”.

- Ngày 18-10-1946: Hồ Chủ tịch đến vịnh Cam Ranh để tiến hành cuộc họp cuối cùng với đại diện Pháp. Ngày này cách đây 68 năm, Bác đã đến vịnh Cam Ranh để tiến hành cuộc họp cuối cùng với đại diện Pháp trước khi Người kêu gọi toàn quốc kháng chiếnHội kiến với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ bàn luận cách thức thực hiện các điều khoản của Tạm ước 14-9, Người đã kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của Đácgiăngliơ đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút quân về miền Bắc, với lý do thực hiện nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, vĩ đại, vẻ vang của Người, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động đấu tranh ngoại giao.

- Ngày 18-10-1961: Phát động phong trào thi đua “Hai tốt” trong toàn ngành Giáo dục. Ngày 18-10-1961, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Bộ Giáo dục và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phát động thi đua "Hai tốt" ở Phủ Lý - Hà Nam. Hội nghị nhất trí công nhận Trường cấp II Bắc Lý là Lá cờ đầu của toàn ngành và thông qua cuộc phát động thi đua "Hai tốt", với khẩu hiệu là: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý". Sau Hội nghị này, phong trào thi đua “Hai tốt” đã nhanh chóng lan rộng trong các trường học cả nước. Được thành lập năm 1953, Trường cấp II Bắc Lý nay là Trường THCS Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Trường là nơi khởi nguồn phong trào “hai tốt”: thi đua dạy thật tốt, học thật tốt toàn miền Bắc.

- Ngày 18-10-2001: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đến năm 2020. Quyết định có 3 điều với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu quốc tế và đô thị biên giới Bờ Y, hình thành đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum và cả nước bảo đảm an ninh, quốc phòng làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng theo quy hoạch.

- Ngày 18 và 19-10-2007: Tại Hải Dương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Các câu lạc bộ ca trù toàn quốc. 18 câu lạc bộ ca trù của các tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự. Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 15 Huy chương Vàng, 18 Huy chương Bạc (không có Huy chương Đồng) cho các ca nương, nghệ nhân xuất sắc.

- Ngày 18-10-2011: Khánh thành Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ngày 18-10, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng Nhà trưng bày Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đây là một trong những hạng mục chính của Dự án cải tạo nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhà trưng bày được xây dựng mới trên diện tích 320m2, bao gồm 9 gian với kiến trúc tiêu biểu của loại hình khu lưu niệm, đảm bảo hài hòa với kiến trúc của các công trình xung quanh được xây dựng trước đây.

* Nhân vật:

- Ngày 18-10-1913: Ngày sinh Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu. Giáo sư Trương Tửu sinh ra trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Gia Lâm (Hà Nội). Ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa để đòi thực dân pháp thả Phan Tất Đắc. Trương Tửu là người yêu nước sâu sắc. Ông từng để tang Phan Chu Chinh, say sưa đọc “Chiêu hồn nước” và tham gia tích cực trong phong trào "Dân chủ Đông Dương" năm 1936-1939. Trương Tửu là một trong những giáo sư đầu tiên của Việt Nam. Rất nhiều giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn hiện nay là học trò của ông…Theo Giáo sư Phong Lê: Trương Tửu là một chân dung đa diện. Ông vừa là nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà hoạt động văn hóa, vừa là nhà cải cách văn hóa, một giáo sư đại học danh tiếng… Giáo sư Trương Tửu mất ngày 16-12-1999, tại Hà Nội.

Theo TTXVN