Cóc

Chẳng mơ bay vút lên cao

Chẳng ham bơi lội hồ ao săn mồi

Ho một tiếng, mưa trắng trời

Làm xong công việc lại ngồi hốc cây.

Trần Ngọc Tảo

“Ho một tiếng, mưa trắng trời”, câu thơ gợi dậy cho tuổi thơ sống lại truyện dân gian. Xửa xưa, một năm trời làm đại hạn, muôn loài điêu đứng vì không có lấy một giọt mưa. Cóc bèn rủ bạn bè lên kiện trời. Cuối cùng nhờ trí khôn của Cóc, trời phải chịu thua buộc bộ hạ mình phải cho mưa xuống tắm mát trần gian.

Bài thơ Cóc của Trần Ngọc Tảo ra đời (viết dành cho tuổi thơ) chắc cũng là năm đang nắng hạn, Cóc nhà ta sốt ruột và ho lên một tiếng (chỉ thế thôi) thế là ông Trời phải “xuống thang” cho mưa xuống trắng cả không gian. Tiếng ho ấy mới đẹp và nhân văn làm sao! Oai phong lẫm liệt là thế, Cóc mới chỉ ra chiêu tung chưởng nhẹ nhàng “một” thôi, số ít mà trời phải đáp trả “mưa” với số lượng thật nhiều (trắng cả trời). Điều lưu ý là Cóc mới chỉ cần đến tiếng ho thôi mà nhà Trời đã phải trả giá to đến thế; huống hồ nếu để Cóc mà giận dữ “kêu” lên hoặc “ra lệnh” nữa thì ta thử tưởng tượng xem điều kinh thiên động địa sẽ xảy ra dữ dội như thế nào, các bạn nhỉ!? Phục tài trí và cách sống ấy, Trần Mạnh Hảo cảm phục đến ngạc nhiên: Lầm lũi gan góc / Quen ngẩng cao đầu và Cóc biết nhiều chuyện/Cả thiên văn sao?

Cóc oai phong, tài giỏi là thế, chắc ai cũng đoán cách sống của Cóc phải uy nghi, oai vệ khác thường? Ấy thế mà Cóc nhà ta: Chẳng mơ bay vút lên cao/ Chẳng ham bơi lội hồ ao săn mồi (thực ra thì Cóc làm gì biết bay như chim, biết lặn như cá?). Cách nói phủ định chẳng được lặp lại hai lần, tác giả nhằm khẳng định nhân vật Cóc với một lối sống, một cách sống đẹp: hiền lành, khiêm tốn, bình dị, không mơ mộng viển vông.

Bình dị, thanh thản, giúp đời thế thôi. Cóc không bao giờ đòi hỏi, cũng chẳng tham danh lợi bao giờ. Sống một đời thanh sạch như vậy chẳng phải rất đẹp và đáng ngợi ca hay sao? Cóc là thế Làm xong công việc lại ngồi hốc cây. Lại ngồi vào hốc cây để bình thản, để hóng mát, không buồn chán mà ngược lại, lại rất vui, sẵn sàng nhắc nhở Trời mỗi khi hạn đến, thậm chí còn chủ động Cóc ngậm trong miệng bao cơn mưa rào. Đến đây người bình muốn mượn ý thơ của Trần Mạnh Hảo vào phần kết bài viết:

Là cậu ông Trời / Vẫn hiền hậu thế / Những chuyện giúp người / Cóc đâu có kể.

“Cóc” là bài thơ ngắn, hay và nói được nhiều điều. Nào, bạn đọc nhỏ tuổi yêu quý của chúng ta học được điều gì bổ ích thêm từ nhân vật Cóc qua bài thơ này nữa? Các bạn nhớ cho rằng, tác giả không chỉ giới hạn chỉ nói về Cóc mà còn nói rộng ra về con người nữa đấy.