Người trồng rau "rầu" vì giá bán thấp

(NTO) Tuy không phải loại cây trồng chủ lực, nhưng lâu nay, các loại rau màu ngắn ngày vẫn được nông dân tỉnh ta gieo trồng, là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình. Khoảng một tháng trở lại đây, giá rau màu các loại xuống rất thấp, huê lợi từ nông sản không bù được chi phí sản xuất.

 
Trái bí đao hiện được thu mua tại vườn với giá từ 500 – 800 đồng/kg.

Mất giá “thê thảm” nhất là bí đao. Nếu như cách đây 3 tháng, giá mỗi kg bí đao thu mua tại vườn dao động từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, thì nay, giá bán chỉ ở mức 500 – 800 đồng/kg. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Phước Thiện 3 (Phước Sơn – Ninh Phước) là một trong những hộ thường xuyên trồng bí đao, cho biết: Bí đao trồng khoảng 2 tháng thì bắt đầu thu hoạch, cho trái đều đặn trong 2-3 tháng mới tàn. Với mỗi sào bí, có thể hái trung bình từ 2 – 3 tạ/lứa, lứa hái cách từ 2-3 ngày. Mọi năm, giá thấp nhất cũng nằm ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg, người nông dân cơ bản vẫn có lãi. Còn năm nay, giá dưới 1.000 đồng/kg, không bù lại công hái chứ chưa nói đến công chăm sóc và chi phí phân thuốc suốt hơn 2 tháng qua. Chị Hà cũng cho biết, một số chủ vườn đã nhổ bỏ bí đao để chuyển sang trồng loại rau màu khác.

Chủ các vườn bầu, khổ qua, đậu đũa, đậu bắp,… cũng “rầu” không kém. Tại các điểm thu mua, quả bầu có giá dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg, khổ qua thì ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg, còn đậu bắp thì từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, đậu đũa chỉ khoảng 2.500 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Nên ở thôn Thuận Hòa (Phước Thuận – Ninh Phước), chủ một vựa thu mua nông sản bỏ mối cho các chợ bán lẻ trong tỉnh, cho biết: Giá rau màu xuống thấp, nhưng các chợ lại có “yêu cầu” rất khắc khe về chất lượng, mẫu mã nông sản, trái phải non, đẹp, tươi xanh… Do vậy, lượng rau quả bị “loại” đi cũng rất nhiều. Tại các vườn, “hàng xả” thường được bán với giá rất thấp hoặc được bà con tận thu làm thức ăn cho gia súc.

Riêng tại Ninh Phước, tổng diện tích rau đậu các loại khoảng 1.400 ha, tập trung ở các xã Phước Sơn, Phước Vinh, An Hải. Trong đó, các loại rau, củ, quả được trồng rải rác và mang tính tự phát, dựa trên kinh nghiệm thời vụ của nông dân. Đa số bà con chọn trồng những loại đang có giá cao, gieo trồng đồng loạt cùng một loại cây, thường khiến nguồn cung mất cân đối. Mặt khác, thị trường nông sản tươi, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả luôn biến động, đầu ra cũng không ổn định, hay bị tư thương ép giá. Do đó, hoạt động sản xuất các loại rau màu này thường rất bấp bênh. Việc khuyến cáo, định hướng cho nông dân về các loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao, đồng thời vận động bà con tham gia một số mô hình sản xuất sạch, là điều cần thiết và có ý nghĩa trong phát triển nông nghiệp địa phương.