Đau mắt đỏ - Những thói quen không có lợi cho mắt

(NTO) Những phương pháp chữa bệnh truyền thống theo kinh nghiệm dân gian đã góp phần vào việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những phương pháp trị bệnh lạc hậu không đem lại lợi ích cho người bệnh mà đôi khi còn gây hại là khác.

Mắt là tổ chức trong suốt để cơ thể tiếp nhận ánh sáng từ bên ngoài vào, làm cho ta cảm nhận được mọi vật chung quanh. Vì thế mọi tác động dù rất nhỏ cũng có thể làm tổn thương đến môi trường trong suốt này, sẽ làm giảm sức nhìn và thậm chí dẫn đến mù lòa. Những nguyên nhân gây ra triệu chứng “ bệnh mắt đỏ (viêm kết mạc)” rất nhiều như vi khuẩn, vi-rút, vi nấm, dị ứng, bệnh toàn thân ảnh hưởng đến mắt… nên khi bị “ bệnh mắt đỏ” khuyên mọi người nên đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng bệnh. Những thói quen “điều trị mắt đỏ khi xưa” cần nên xem xét lại. Trước hết dù là thuốc nhỏ mắt trị bệnh gì cũng phải đạt được một số tiêu chuẩn sau: Độ pH của thuốc phải ở khoảng 7,5 – 8,5 và áp lực thẩm thấu vào khoảng 0,7 – 0,9% tương ứng với môi trường của mắt; Tuyệt đối vô trùng; Chứng minh là có hiệu quả điều trị và bảo đảm không gây kích ứng cho mắt.

Một số biện pháp điều trị xưa cần nên xem lại:

- Nhỏ mắt bằng nước chanh vắt: nước chanh vắt có nồng độ a-xit Citric đến 7 -8 -10%, A-xit Citrat (Natri hoặc Kali) 1- 2% và a-xit Malic 0,4 – 0,5%. Rõ ràng đây là dung dịch có chứa nồng độ a-xit hữu cơ khá cao, nhỏ vào mắt tạo ra sự cay xé và khó chịu nhưng lại không diệt được mầm gây bệnh nào cả.

- Nhỏ mắt bằng Mật gấu: trong Mật gấu chủ yếu chứa Cholesterol, a-xit Ursodesoxycholic và a-xit Chenodesoxycholic. Theo kinh nghiệm dân gian là đây dạng thuốc quý, chữa được đau mắt đỏ, làm tan mây (mộng thịt) và sáng mắt. Cách dùng : Mật gấu khô lượng bằng hạt gạo, mài với nước chín nhỏ vào mắt. Công dụng chữa bệnh mắt đỏ bằng các chất Cholesterol, a-xit Ursodesoxycholic và a-xit Chenodesoxycholic thì chưa được tài liệu khoa học nào chứng minh, nhưng việc mài mật gấu bằng thủ công là khó bảo đảm vô trùng và pha chế tùy tiện theo kinh nghiệm mỗi cá nhân mà không được kiểm định là cũng không an toàn cho mắt.

- Nhỏ mắt bằng Mật ong: Mật ong là một sản phảm sinh học trong đó có chứa khoảng 15% nước, đến 65 – 70% các loại đường ( glucose, Levulose), 2- 3% đường Saccarose, một ít a-xit hữu cơ, protide, sáp, sắc tố và một số men tiêu hóa (Lipase, Amylase, Invertin). Chất lượng mật ong tùy thuộc vào loại phấn hoa do ong thợ lấy về luyện thành mật. Mật ong để càng lâu các men sinh học sẽ bị thoái hóa hay nói cụ thể là mật ong lâu năm không tốt bằng mật ong mới thu. Công dụng của mật ong dùng để sát khuẩn vết thương, trị lành vết thương đã được kinh nghiệm nhân dân truyền tụng. Tuy nhiên, mật ong có nồng độ đường rất cao sẽ làm rối loạn áp lực thẩm thấu của các dịch mắt, chứa phấn hoa có thể gây dị ứng ở một số người và chưa kể hiện nay nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá phổ biến, nên nguy cơ phấn hoa luyện thành mật ong cũng có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật là rất cao. Vì vậy dùng mật ong nhỏ vào mắt thì thật là lợi bất cập hại, hiện nay có nhiều loại thuốc tây y tốt hơn nhiều, có lẽ không nên dùng nữa.

- Nhỏ mắt bằng nước muối lâu năm : Nước muối đẳng trương 9%o được ngành Dược sản xuất, đóng thành lọ 5ml được dùng nhỏ mắt để rửa mắt, chống khô mắt (người già) và sát khuẩn nhẹ. Còn muối để lâu năm rất khó tránh được bụi bẩn bám vào, việc pha chế tùy tiện không đảm bảo vô trùng và không được tính toán nồng độ phù hợp môi trường mắt lại dùng để nhỏ mắt là không an toàn và không hợp vệ sinh.

- Nhỏ mắt với loại thuốc (tây y) được mách bảo hoặc tự ý mua thuốc về dùng hoặc dùng chung lọ thuốc của người khác hoặc lọ thuốc nhỏ mắt cũ đã dùng dở dang là những sai lầm nguy hiểm, hậu quả khó lường.

Trong đợt dịch Đau mắt đỏ đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố ; tỉnh ta cũng đã xuất hiện một số trường hợp mắc nên rất mong mọi người tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc để tránh lây lan cho người khác và tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do dùng nhầm thuốc.