Huyện ủy Ninh Phước: Tăng cường đối thoại xây dựng hệ thống chính trị

(NTO) Với tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, huyện Ninh Phước có 8 xã, 1 thị trấn bao gồm 51 thôn và 15 khu phố. Dân số toàn huyện có 148.247 người, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có 32,78% dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Chăm (chiếm tỷ lệ 30,6%). Do đặc điểm trên nên công tác dân vận trong hệ thống chính trị được Huyện ủy Ninh Phước chú trọng, trong đó nổi bật là việc tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo huyện, xã với cán bộ, nhân dân.

Tính từ năm 2012 đến nay, Thường trực Huyện ủy Ninh Phước đã tổ chức được 20 cuộc đối thoại, trong đó có 14 cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ và nhân dân các xã, thị trấn; 5 cuộc đối thoại với Bí thư chi bộ thôn, khu phố và các ngành Y tế, Giáo dục, Công an, Đoàn Thanh niên, đặc biệt tổ chức 1 cuộc đối thoại với các chức sắc tôn giáo và người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, còn có 48 cuộc đối thoại nội bộ của các cơ quan, đoàn thể và có 5 xã, thị trấn đã tiến hành 24 cuộc đối thoại với cán bộ, nhân dân các thôn, khu phố. Riêng từ đầu năm đến nay, Thường trực Huyện ủy Ninh Phước tổ chức đối thoại với cán bộ, nhân dân thị trấn Phước Dân và các xã Phước Hậu, Phước Vinh, Phước Hải, Phước Hữu, An Hải và Phước Thuận. Có thể nói cùng với việc chọn các ngành thường xuyên tiếp xúc với dân, có tác động đến xã hội, lại có đông cán bộ, công chức, viên chức để đối thoại tháo gỡ các khó khăn bức xúc, Huyện ủy Ninh Phước luôn quan tâm đối thoại với cán bộ, nhân dân các địa phương cơ sở có vấn đề nổi cộm cần tập trung giải quyết.

 
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước phát biểu trong buổi đối thoại với nhân dân.
Ảnh: Diễm My

Các cuộc đối thoại ở các xã, thị trấn đều dưới sự chủ trì của các đồng chí Thường trực Huyện ủy, có mặt các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách địa bàn, đại diện lãnh đạo các ngành, đoàn thể của huyện và trung bình có từ 100 - 130 đại biểu dự họp bao gồm các đồng chí trong Đảng ủy xã, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại biểu nhân dân (lựa chọn những người có uy tín, trí thức). Trước khi tiến hành, HĐND, Mặt trận, các đoàn thể và các ban, ngành huyện nắm tình hình tổng hợp, báo cáo với Thường trực Huyện ủy chọn những vấn đề nổi cộm và thống nhất cách giải quyết. Thông qua việc đối thoại trực tiếp, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt những băn khoăn, lo lắng cũng như các đề xuất hướng giải quyết của nhân dân về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất. Sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến kiến nghị, ngay tại buổi đối thoại, các phòng, ban chuyên môn tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ giải thích, trả lời cho nhân dân rõ. Đối với các vấn đề cần có thời gian giải quyết sẽ được thông báo lại cho nhân dân sau đó 2 tuần. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước cho biết: Hầu hết ý kiến của nhân dân tham dự rất hoan nghênh việc Thường trực Huyện uỷ tổ chức đối thoại và cho rằng đây là cơ hội thiết thực hơn cả để nhân dân trực tiếp kiến nghị những vấn đề bức xúc, chưa hiểu với lãnh đạo cao nhất huyện. Qua đó đã phát huy quyền làm chủ, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Đảng bộ huyện Ninh Phước hiện có tổng số trên 1.800 đảng viên sinh hoạt tại 53 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). Sự chuyển biến tích cực của công tác dân vận trong hệ thống chính trị huyện theo hướng chủ động và sát cơ sở đã tác động góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCSĐ, phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo ở địa phương, cơ sở. Từ đối thoại, đã giúp các xã, thị trấn củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khắc phục những vấn đề tồn đọng gây bức xúc dư luận. Đơn cử thị trấn Phước Dân ngay sau đối thoại, huyện đã triển khai đấu thầu dự án Khu dân cư Tám Ký vốn đã chựng lại từ nhiều năm; hay như xã Phước Vinh qua ý kiến nêu sai phạm của một cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, UB Kiểm tra Huyện ủy đã tiến hành kiểm tra, xác minh sự thật. Cũng qua đối thoại, Ban Dân vận Huyện ủy và Mặt trận, các đoàn thể đã phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở giải quyết khiếu nại, tranh chấp, ổn định trật tự trị an và vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Phạm Văn Hậu, việc tổ chức đối thoại không chỉ giúp lãnh đạo huyện nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất cũng như những vấn đề bức xúc đặt ra, mà còn là dịp để công khai, minh bạch, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Nhưng trên hết, đã góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, nhà nước và nhân dân ngày càng vững chắc; giúp cho hệ thống chính trị từ huyện đến xã “gần dân hơn, sát dân hơn, hiểu dân hơn, nói dân nghe, làm dân tin”.