VẤN ĐỀ & SỰ KIỆN:

Nâng tầm quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với Ninh Thuận

Hợp tác để phát triển, nhất là đối với những tỉnh còn nhiều khó khăn như tỉnh ta lại càng có ý nghĩa với tầm quan trọng đặc biệt.

Ngày 7-6-2005, tại tỉnh ta, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo tỉnh đã ký chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương. Có thể nói, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, chương trình hợp tác được triển khai khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề phát triển hợp tác nhiều lĩnh vực mới, lâu dài giữa hai địa phương. Đặc biệt, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp của hai địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các nội dung của chương trình hợp tác, nhất là các lĩnh vực về y tế, công thương, du lịch... không những mang lại hiệu quả cao mà còn phát huy được tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tham gia đầu tư tại Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký gần 40.000 tỷ đồng, trong đó có một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động có hiệu quả như: Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận; Dự án Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử, dự án mở rộng Công ty May Tiến Thuận, dự án Siêu thị Co-op Mart Thanh Hà của Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Dệt may Quảng Phú...

 
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Sài Gòn - Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc

Điều cũng đáng ghi nhận là thông qua chương trình hợp tác, đã có không ít doanh nghiệp, tổ chức từ thiện của Thành phố tham gia hỗ trợ nhiều tỷ đồng, nhất là hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí, ủng hộ Chương trình xóa đói giảm nghèo... góp phần tích cực trong việc bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh nói chung.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói tỉnh ta luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là quan hệ hợp tác với TP.Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là mối quan hệ hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mà còn có ý nghĩa to lớn, thể hiện tình cảm gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu phát triển, đó là: Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh”. Theo đó, trong thời gian đến tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư phát triển 6 nhóm ngành trụ cột gồm: năng lượng; du lịch; nông lâm, thủy sản; công nghiệp; giáo dục và đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, Quốc hội đã có chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Đây sẽ là những cơ hội phát triển mới, mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như tạo thời cơ và động lực mới cho mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian đến.

Để nâng tầm quan hệ hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh nhà trong tương lai, vấn đề đặt ra là cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của việc hợp tác, đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai địa phương. Mặt khác, tỉnh cần tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng để các doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh có thêm nhiều cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh tại Ninh Thuận, qua đó góp phần khai thác những lợi thế của tỉnh ở các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như đã nêu trên.