Katé - Từ lễ đến lễ hội và Tết của người Chăm

(NTO) Ngày nay, Katé không còn xa lạ với hầu hết người dân Ninh Thuận, nó đã trở thành phổ biến, quen thuộc với định kỳ tổ chức hàng năm vào mỗi độ Thu về cũng là mùa mưa chính của năm.

Katé ngày nay được coi là một trong những lễ hội quan trọng và lớn nhất của người Chăm Ninh Thuận, thậm chí người ta còn gọi là “Tết” Katé, Tết của dân tộc Chăm. Trong những ngày diễn ra lễ hội Katé, ngoài không khí hội hè bên cạnh các nghi lễ mang tính phong tục truyền thống thì những ngày này thực sự mang đậm tính chất tết của một dân tộc bao trùm lên mọi sinh hoạt đời sống của họ. Người ta chúc tụng nhau những điều tốt đẹp và thiết đãi ăn uống, vui chơi sau khi thực hành các nghi lễ tưởng nhớ Vua - Thần, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và các vị thần khác, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Đồng bào Chăm phấn khởi đón mừng lễ hội Ka tê tại tháp Pôkong Girai.
 
 
Lễ rước y trang tại tháp Pôkong Girai.

Katé ban đầu chỉ là một lễ tục của người Chăm trong đó có nhiều lễ thức. Lễ tục này đã phát triển lên thành lễ hội và được coi như Tết của người Chăm ngày nay là một sự phát triển tự nhiên phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu tình cảm của cộng đồng người Chăm. Trước đây người Chăm cũng không gọi Katé là tết, họ chỉ gọi đó là lễ Katé, là một lễ tục truyền thống mang đậm tính dân gian bản địa tuy có pha lẫn sắc màu tôn giáo. Tuy nhiên, họ lại có cụm từ “băng Katé” (ăn Katé). Như vậy, trong lễ Katé về mục đích, ý nghĩa không hoàn toàn chỉ có làm lễ cúng Yang. Từ “ăn” ở đây bao hàm ý nghĩa “ăn lễ”, “ăn tết” trong đó việc cúng lễ chỉ là để thể hiện lòng biết ơn, sự tưởng nhớ đối với các vị thần và tổ tiên trong dịp đó mà thôi. Ngoài Katé ra, các lễ cúng khác của người Chăm dù quan trọng cũng không được gọi là “băng” (ăn) mà gọi là “ngap”, “ngap Yang” (làm, làm lễ, cúng lễ).

Cho đến hiện nay cũng chưa ai giải thích được nguồn gốc của từ “Katé” và bản thân từ đó có ý nghĩa là gì. Người ta chỉ biết rằng Katé là lễ cúng để tưởng nhớ thần Cha (Ngap padhi phuel bilan Katê sak ka yang po yang Amâ). Còn Cambun là lễ cúng tưởng nhớ thần Mẹ. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katé được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm), và Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở đền, tháp. Hai lễ này được xem là “một cặp” tương ứng (âm - dương) thống nhất trong quan niệm dân gian của người Chăm. Các vị thần này là các thần xứ sở cao cả theo truyền thuyết. Tuy nhiên, về sau do ảnh hưởng tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào nên trong lễ Katé mặc dù chính là cúng thần Cha Yang Po Yang Amâ nhưng ngoài ra cũng mời gọi các thần Yang trong đền tháp (thần Ấn Độ), thần Yang Po Biruw (thần mới), thần Muk Kei (thần tổ tiên), thần làng, thần thổ địa và các thần khác.

Thiếu nữ Chăm múa quạt mừng ngày hội Katê.

Lễ Katé là một nghi lễ được diễn ra trong một không gian rộng lớn và thời gian kéo dài. Ngày nay, người ta thường nói Katé diễn ra chính thức trong 3 ngày. Nhưng đó là cách nói theo tư duy “3 ngày tết” của người Việt. Cách tổ chức ăn Katé ngày nay cũng theo tư duy đó chứ không còn tuân thủ theo truyền thống. Thực ra nói một cách chính xác thì Katé diễn ra chính thức trong một ngày nhằm vào ngày mồng một tháng bảy lịch Chăm (gọi là lễ chính) tại đền, tháp. Còn lễ hội Katé kéo dài cả tháng, nên mới có câu “bilan Katé” (tháng Katé). (Có người lại cho rằng Katé diễn ra trong 7 ngày từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 7 lịch Chăm). Tuy nhiên, mùa Katé vẫn được hiểu là kéo dài cả tháng trong đó chia ra làm ba phần và diễn ra ở ba khu vực đền, tháp của cộng đồng người Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn). Riêng làng Bỉnh Nghĩa, họ không làm lễ Katé nhưng vẫn đi chơi lễ tại miếu thờ Po Binnâthuer, lên tháp (Po Klaong Girai); một số dòng tộc lớn lại có tổ chức cúng. Làng Phú Nhuận là làng có cả cộng đồng Chăm Ahier và Awal (Bàni) cùng chung sống nên vẫn được phân vào khu vực tháp Po Klaong Girai. Ở làng Phước Nhơn là làng Chăm Bàni nhưng có một tộc họ là họ Po Ramé, đến Katé tộc họ này cũng lên tháp cúng. Trong tháng Katé, theo qui định thì khu vực tháp Po Klaong Girai và khu vực đền Po Inâ Nâgar ăn Katé vào thượng tuần trăng (từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 7 lịch Chăm), còn khu vực tháp Po Ramé thì ăn Ka té vào hạ tuần trăng (thời gian còn lại sau đó cho đến hết tháng).

Phần thứ nhất cũng là phần chính của lễ là Katé ở đền tháp. Phần này được diễn ra đồng loạt cho tất cả cộng đồng các làng Chăm Ahier chia theo khu vực đền, tháp vào ngày 1 tháng 7 lịch Chăm. Sau Katé ở đền tháp là Katé làng. Các làng chọn ra các ngày thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần để tổ chức đồng thời thông báo cho cả làng biết và mang bánh trái đến cúng tại nhà làng. Làng có ngân quĩ chung và nhận mọi sự đóng góp cũng như tài trợ khác. Katé làng nhằm để cúng thần làng và tưởng nhớ những người có công đối với làng.

Sau Katé làng là đến Katé gia đình, dòng tộc. Trước tiên nó được tổ chức trong gia đình Cả sư Po Adhia sau đó mới đến các gia đình dòng tộc khác. Nhưng các gia đình dòng tộc không tổ chức Katé đồng loạt mà lần lượt luân phiên tổ chức nên Katé kéo dài cả tháng là như vậy. Các gia đình cũng chọn tổ chức Katé vào thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần là những ngày tốt theo quan niệm của người Chăm.

Lễ hội Katê nô nức diễn ra tại làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
Ảnh: Sơn Ngọc

Lễ Katé diễn ra ở ba khu vực đền, tháp là đền thờ Po Inâ Nâgar (Hữu Đức), tháp Po Klaong Girai và tháp Po Ramé (riêng tháp Hòa Lai không tổ chức cúng Katé hay bất kỳ lễ nào khác). Trước ngày diễn ra lễ Katé chính thức (30-6 lịch Chăm) cả ba khu vực đều tiến hành lễ thức đón nhận y trang (của Thần Mẹ xứ sở Po Inâ Nâgar, Vua Po Klaong Girai, Vua Po Ramé) do người Raglai gìn giữ nay họ mang xuống giao lại để làm lễ (sau đó họ lại mang về miền núi cất giữ đến năm sau lại mang xuống). Sáng hôm sau (1-7 lịch Chăm) mới tổ chức lễ rước y trang lên tháp, vào đền và tổ chức chính thức lễ cúng Katé tại đền, tháp. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn đền Po Inâ Nâgar ở Hữu Đức là còn lễ đón y trang vì y trang thần Po Inâ Nâgar vẫn do người Raglai (Phước Hà) cất giữ. Còn y trang của vua Po Klaong Girai và vua Po Ramé thì người Raglai đã giao lại hẳn cho Người Chăm cất giữ. Vì thế, thay cho lễ đón, người ta chỉ có một nghi lễ nhỏ đơn giản gồm lễ vật trầu, cau, trứng, rượu để hạ “ciet” chuẩn bị y trang cho lễ rước lên tháp vào sáng hôm sau mà thôi. Các lễ chính trong ngày lên tháp (1-7 lịch Chăm) gồm có: lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng và mặc y phục) và cuối cùng là đại lễ (lễ chính).

Ngày nay, Katé đã có nhiều thay đổi, biến tấu. Điều đó có nhiều nguyên nhân. Từ những lễ thức thuộc phong tục rất đơn giản và trong một phạm vi qui mô nội bộ các dòng tộc làng Chăm, Katé dần trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội” ngày càng được khuếch trương, mở rộng. Trong ngày Katé tổ chức tại tháp không chỉ diễn ra những nghi thức truyền thống của người Chăm để phục vụ tín ngưỡng mà còn có mặt lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương đến dự và chúc mừng tết Katé đối với các chức sắc và toàn thể đồng bào Chăm. Ngoài ra, do tính chất đặc sắc của văn hóa Chăm, lễ Katé đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các cộng đồng dân tộc khác sống trong vùng lân cận và về sau là khách tham quan, du lịch từ các nơi khác tìm đến, vừa là tìm hiểu vừa hòa chung vào không khí lễ hội để tiếp cận, giao lưu văn hóa làm cho Katé ngày càng hấp dẫn và tạo ra không khí vui chơi rộng khắp trong vùng. Cộng đồng người Việt và các dân tộc khác trong những ngày này cũng đến chúc tết và cùng tham gia ăn tết với các gia đình người Chăm quen biết với tình cảm rất thân tình, đầm ấm. Đối với mọi người ngày nay, Katé không chỉ là một nghi lễ hay lễ hội mà nó đã thực sự trở thành ngày tết đối với đồng bào Chăm nói chung và người Chăm Ahier nói riêng. Katé cần được quan tâm và khuyến khích tổ chức phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh của người Chăm.