Sức bật mới của ngành Công nghiệp chế biến

(NTO) Năm 2014, ngành Công nghiệp (CN) phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng từ 20% trở lên và chiếm tỷ trọng từ 22-23% nhằm xác định vị trí tương xứng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Để đạt được mục tiêu nói trên, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhờ đó, kết thúc 9 tháng 2014, hầu hết các sản phẩm chính của ngành CN đều tăng; trong đó, đáng lưu ý là CN chế biến tăng 46,71%, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN ước đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng gần 33,1% so với cùng kỳ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành trong 9 tháng qua, trước hết phải kể đến lĩnh vực CN chế biến và sản xuất của các đơn vị như: sản phẩm dệt khăn bông các loại của Công ty Quảng Phú, sản phẩm Bia đóng lon của Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận... Đặc biệt, từ tháng 7 trở lại đây khi nhà máy chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận hoàn thành đi vào hoạt động thì lĩnh vực CN chế biến đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đưa chỉ số sản xuất của CN chế biến tăng 49,61%, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản của tỉnh đạt 15,6 triệu USD, tăng 21% so cùng thời điểm năm trước.

 
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Văn Miên

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh cầm chừng thì việc đầu tư mở rộng xây dựng Nhà máy sản xuất khăn bông của công ty Quảng Phú và chế biến thủy sản của Công ty Thông Thuận thực sự là một điểm sáng. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng các nhóm ngành này phát huy năng lực sản xuất, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành rất lớn. Có thể minh chứng điều này qua con số so sánh: Nếu ở thời điểm quý III-2013 khi các nhóm ngành kể trên chưa đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN chỉ đạt 1.590 tỷ đồng và chỉ số sản xuất CN (IIP) chỉ tăng 2,86%, nhưng đến quý III năm nay giá trị sản xuất ngành CN đã đạt con số trên 2.100 tỷ đồng, tăng gần 33,1% và chỉ số IIP ước tăng 32,51% so với cùng kỳ, đặc biệt mặt hàng chế biến tôm đông lạnh tăng đến 84,28%. Cùng với đó, một số nhóm ngành CN truyền thống, sản phẩm chủ lực đã phục hồi sản xuất, tạo tăng trưởng trở lại như: muối các loại tăng 50,39%; đường RS tăng 40,53%; xi măng tăng 36,73%; nước ghi thu tăng 13,83%...

Nêu ra một vài số liệu cụ thể như trên để thấy rằng, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhưng các DN trong tỉnh vẫn năng động, nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng được thị trường không chỉ ở trong nước mà còn xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước trong khu vực. Đơn cử như Công ty TNHH Thông Thuận, dù mới đứng chân trên địa bàn tỉnh ta hơn 5 năm, nhưng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu của mình, ngoài việc nỗ lực đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, tìm kiếm thị trường, đơn vị còn đầu tư xây mới thêm nhà máy sản xuất số 2, với công suất 6.500 tấn thành phẩm/năm tại Cụm Công nghiệp Thành Hải (Phan Rang– Tháp Chàm), nhờ đó quy mô sản xuất của DN không ngừng được mở rộng, sản lượng ngày một tăng. Ông Hán Văn Nghĩa, Giám đốc nhân sự của công ty cho biết: Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, công ty sản xuất được 2.100 tấn thành phẩm, trong đó xuất khẩu trực tiếp sang các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... được 1.200 tấn, doanh thu đạt 14,2 triệu USD. Riêng nhà máy số 2 đưa vào hoạt động, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định thêm cho 1.200 lao động địa phương, nâng tổng số lao động của công ty lên 1.500 người, với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận trong ca sản xuất.

Sự phát triển của ngành CN nói chung và CN chế biến nói riêng trong 9 tháng qua là đáng ghi nhận, tuy nhiên tính bền vững của sự phát triển đó chưa cao. Nếu cộng dồn từ đầu năm đến nay, vẫn còn rất nhiều sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm CN chủ lực như điện sản xuất giảm 9,9%, gạch nung giảm 35,8%. Về chế biến hạt điều xuất khẩu, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao của toàn ngành ở những năm trước, nhưng hiện nay các DN chuyên sản xuất mặt hàng này vẫn chủ yếu chế biến ở dạng thô và gia công lại cho một số DN lớn trong và ngoài nước. Mặt khác, do chưa tìm được đầu ra ổn định cho mặt hàng này, nên hiện một số DN đang hoạt động cầm chừng. Tính chung trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhân hạt điều giảm 20,9%. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như đường, tinh bột mì do đặc thù mỗi năm chỉ hoạt động sản xuất được một vụ, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11, nên việc đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành không nhiều.

Qua những phân tích trên, vấn đề đặt ra là để tạo được yếu tố bền vững trong phát triển ngành CN nói chung và lĩnh vực chế biến nói riêng thì tỉnh cần đánh giá rõ thực trạng để có giải pháp hỗ trợ, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho các DN ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, các DN cũng nên xác định lộ trình và chiến lược đầu tư chiều sâu, dài hạn từ 5-10 năm để đảm bảo phát triển và tăng trưởng bền vững. Một việc làm cần thiết nữa để thay đổi diện mạo ngành CN chế biến của tỉnh đó chính là phải ưu tiên đào tạo nhân lực và có chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư mới trên cơ sở có một chiến lược phát triển CN chế biến rõ ràng, cụ thể, với những sản phẩm mang tính trọng điểm, đột phá.