Khu ẩm thực biển Ninh Chử: Sẽ đấu giá các lô theo đúng quy định của pháp luật

(NTO) Khu quy hoạch 8 Sào, phía đông khách sạn Sài Gòn – Ninh Chử (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) khi hoàn thành sẽ được chia thành 30 lô, được đưa ra đấu giá quyền sử dụng trong thời gian 50 năm, với giá sàn tạm tính khoảng 700 triệu đồng/lô. Với mức giá này, nhiều chủ hộ trước đây kinh doanh ở khu 8 Sào sẽ khó có khả năng được trở lại buôn bán trong khu ẩm thực mới.

Khu quán ăn hải sản phía đông khách sạn Sài Gòn – Ninh Chử được biết đến như một trong những địa điểm ẩm thực “ngon, bổ, rẻ”, lại cách không xa trung tâm Tp. Phan Rang – Tháp Chàm nên nơi đây luôn nằm trong “sổ tay” của dân sành ăn uống. Những cái tên Sơn Ca, Thủy Tiên, Gái Mập, Bé Nhỏ,… đã thành “thương hiệu” với thực khách trong và ngoài tỉnh.

Khu quy hoạch 8 Sào sẽ trở thành khu vực kinh doanh ẩm thực
thu hút đông đảo du khách.

Tuy “nổi tiếng” nhưng những hàng quán này đa phần được dựng tạm bợ, hướng mở ra phía biển. Chủ các quán cũng không chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thế nên theo thời gian, “bộ mặt” của khu vực này dần mất tính thẩm mỹ. Để cải tạo cảnh quan, đồng thời nâng cấp nơi đây thành địa điểm ẩm thực thu hút du khách, tăng tính cạnh tranh trong loại hình kinh doanh ẩm thực hải sản, UBND huyện Ninh Hải đã phê duyệt dự án xây dựng Khu quy hoạch 8 Sào trở thành khu kinh doanh ẩm thực có kết cấu hạ tầng kiên cố với hệ thống đường giao thông, điện, nước, cống thoát,… đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng ổn định, lâu dài. Tổng mức đầu tư công trình gần 21 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng là 11 tỷ đồng.

Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của nhân dân, trong đó có các hộ kinh doanh quán ăn hải sản thuộc khu quy hoạch. Theo chị Lò Thị Sơn Ca, chủ quán ăn Sơn Ca, với hơn 200 triệu đồng tiền bồi thường, chị thuê mặt bằng trên đường An Dương Vương (đoạn đối diện cổng vào khách sạn Sài Gòn – Ninh Chử) để tiếp tục kinh doanh. Chi phí xây dựng lại quán khoảng 80 triệu đồng. “Tuy dọn ra nơi khác, nhưng chúng tôi vẫn luôn mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ trong đấu giá các lô ở khu ẩm thực mới”, chị Sơn Ca tâm sự. Trước đây, để phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày, lượng hải sản tươi sống chị thu mua có tổng giá trị từ 8 – 10 triệu đồng/ngày.

Các hàng quán tháo dỡ, di dời cơ sở kinh doanh để thi công xây dựng Khu ẩm thực mới.

Hiện tại, chỉ có 4/13 hộ kinh doanh quán ăn ở khu 8 Sào cũ tiếp tục mở quán kinh doanh ở những vị trí mới, tập trung trên đường An Dương Vương. Đa phần các chủ kinh doanh còn lại sử dụng số tiền bồi thường vào việc trả nợ, chi phí cho sinh hoạt hằng ngày. Chị Phan Thị Thủy, chủ quán ăn Thủy, cho biết: Quán của gia đình chúng tôi có 6 lao động thường xuyên, đều là người thân trong nhà. Nay ngừng kinh doanh, không còn nguồn thu, mỗi người đều phải tự tìm việc này việc nọ để làm.

Sau khi hoàn tất việc bồi thường, các hộ đều đã tiến hành tháo dỡ, di dời cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, theo ghi nhận, không ít chủ quán vẫn còn lo lắng, băn khoăn khi “nghe ” nhiều thông tin trái chiều xoay quanh vấn đề đấu giá các lô trong khu ẩm thực. Một trong những “thông tin” đó là có người sẽ thầu toàn bộ khu vực này rồi cho các tiểu thương thuê lại với giá cao hơn. Về điều này, đồng chí Phạm Ngọc Thương, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải khẳng định: Việc đấu giá các lô trong Khu quy hoạch 8 Sào sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, UBND thị trấn sẽ đề nghị UBND huyện Ninh Hải cho những tiểu thương có đủ điều kiện tài chính, có nguyện vọng kinh doanh lâu dài được mua các lô với giá sàn. Chúng tôi tuyệt đối không để xảy ra việc đầu cơ, mua đi bán lại nhằm trục lợi, sử dụng sai mục đích các lô trong quy hoạch. Vì phải thu hồi vốn để trả cho doanh nghiệp thi công, nên việc cho các tiểu thương trả góp số tiền mua các lô trong Khu quy hoạch 8 Sào là rất ít khả năng. Mặt khác, trong số 13 hộ kinh doanh ở khu vực này, chỉ có khoảng 3 - 4 hộ làm ăn hiệu quả, số còn lại rất bấp bênh, thu nhập không ổn định, còn nợ tiền thuế kinh doanh rất nhiều. Xây dựng Khu quy hoạch 8 Sào để thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ của địa phương, nên để các cá nhân có khả năng hoạt động hiệu quả được kinh doanh, tạo nguồn lợi lâu dài cho xã hội. Trước mắt, UBND thị trấn hỗ trợ cho các hộ di dời bằng cách giới thiệu một số địa điểm kinh doanh phù hợp như đường An Dương Vương, khu vực tập trung hàng quán ăn uống trên địa bàn,…

Hiện tại, các đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2014. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần có thông tin đầy đủ, rõ ràng đến nhân dân, đặc biệt là các hộ dân đã di dời, để bà con yên tâm, không bị các tin đồn làm hoang mang, lo lắng.