Mở rộng chiến dịch truy quét đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép

(NTO) Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và ngành chức năng, thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp.

Các đối tượng phá rừng ngang nhiên dùng cưa máy khai thác lượng gỗ lớn rồi sử dụng xe máy “độ chế”, cộ bò vận chuyển đi tiêu thụ. Mặc dù các đơn vị bảo vệ rừng đã triển khai nhiều biện pháp truy quét nhưng kết quả đạt được chưa cao.

 Để ngăn chặn triệt để nạn phá rừng, Sở NN&PTNT đã triển khai mô hình hoạt động Tổ kiểm tra, kiểm soát lâm sản lưu động liên ngành. Theo đó, mô hình gồm có 3 tổ, mỗi tổ 10 thành viên, áp dụng thí điểm ở địa bàn các huyện Ninh Sơn và Bác Ái từ ngày 9-7 đến ngày 9-10-2014. Phạm vi hoạt động của Tổ số 1 và 2 ở khu vực Tà Lâm, Tà Nôi, tuyến đường Ma Nới-Gia Hoa, các Tiểu khu 108, 116, 112,114,118,120… thuộc xã Ma Nới, nằm trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ninh Sơn và khu vực giáp ranh với các huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng). Tổ số 3 hoạt động ở khu vực xã Phước Hòa, giáp ranh với xã Phước Bình, xã Phước Tân (Bác Ái), dọc tuyến đường Ninh Bình- Phước Bình, trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến.

So sánh với các tổ chức bảo vệ rừng đã được thành lập trước đây, mô hình này hoạt động chặt chẽ hơn, nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và chính quyền các cấp. Các tổ được trang bị phương tiện và những quyền hạn nhất định, đủ mạnh để trấn áp có hiệu quả đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép. Cụ thể, được phép sử dụng ấn chỉ của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR để thực hiện nhiệm vụ; sử dụng biên bản vi phạm của cảnh sát giao thông để lập biên bản vi phạm thuộc lĩnh vực trật tự giao thông. Khi cần phải tăng cường lực lượng truy bắt các đối tượng vi phạm, tổ trưởng được phép huy động nhân viên của đơn vị bảo vệ rừng…

Nhờ có cơ chế hoạt động trên, nên mô hình thu được nhiều kết quả. Sau 3 tháng hoạt động, các tổ đã đồng loạt ra quân, tổ chức 278 đợt truy quét, với 1.709 lượt người tham gia. Qua đó, đã phát hiện 140 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ hơn 20 m3 gỗ các loại, 116 xe máy “độ chế”, 21 cưa máy, một số động vật hoang dã… Đánh giá về kết quả của mô hình, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Các mũi tấn công, truy quét có tác động mạnh mẽ đến đối tượng không còn liều lĩnh như trước, xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng. Việc thu giữ lượng lớn xe máy “độ chế” đã lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, đem lại lòng tin của nhân dân. Đó là chưa kể qua thực hiện mô hình, ý thức về chấp hành pháp luật của cộng đồng dân cư và các đối tượng vi phạm chuyển biến rõ nét.

Tuy vậy, quá trình triển khai mô hình vẫn còn bộc lộ hạn chế, đó là chưa lường hết những khó khăn về địa hình rộng, hệ thống giao thông miền núi phức tạp, nên khi tổ chức truy quét, đối tượng phá rừng vẫn còn luồn lách theo đường mòn vận chuyển gỗ lậu trót lọt. Một số phần tử manh động đã ngưng hình thức dùng cưa máy khai thác chuyển sang thuê đồng bào dân tộc thiểu số đốn gỗ bằng cưa tay, rìu và dùng sức người gùi, vác gỗ băng qua đồi dốc, sông suối trốn tránh lực lượng kiểm tra, kiểm soát, ...

Từ thực tế trên, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động của mô hình đến tháng 4-2015, để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán khai thác gỗ trái phép; đồng thời, xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình sang các địa phương có rừng trong tỉnh.