Ngọt mát giếng quê

(NTO) Cây đa, giếng nước, chợ quê… tự bao giờ đã trở thành ký ức thân thuộc của những người con đất Việt. Ngày nay, làng xóm nông thôn đang dần dần được đô thị hóa, phần lớn người dân các địa phương đã quen với hệ thống nước sạch, với nước máy, giếng khoan… Giếng nước của làng giờ đây dường như đã đi vào quên lãng.

 
Ảnh minh họa.

Ngày trước chưa có các phương tiện truyền thông đại chúng, thì giếng làng trở thành trung tâm tin tức của những câu chuyện thời sự. Bờ giếng là nơi người ta gặp gỡ nhau, thông tin về cuộc sống. Giếng nước không những phục vụ cho việc nấu nướng, tắm giặt… mà còn là nơi hò hẹn của nhiều mối tình, đôi khi nó cũng chứng kiến biết bao cuộc chia ly đẫm nước mắt hay cuộc trùng phùng đầy hạnh phúc. Nó trở nên thân thiết, gần gũi với mọi người, như là nhân chứng "lịch sử" về những biến cố vui buồn trong cộng đồng cư dân nơi thôn xóm, làng mạc.

Giếng nước được gọi là linh hồn của làng. Bởi lẽ linh hồn làng không bao giờ cạn, nó mãi mãi đầy để chia về cho mọi nhà trong mùa khô hạn. Nước giếng làng bao giờ cũng rất trong và ngọt, hầu hết những giếng làng đều có nước quanh năm, kể cả trong thời kỳ hạn hán.

Những người con của dân làng đang sinh sống xa quê, mỗi khi trở về, thường vục đầu vào dòng nước mát, cảm thấy lòng mình thanh thản hơn, bình yên hơn, như gặp được mảnh hồn quê rất thiêng liêng và quá đỗi tự hào.

Ngày nay, khi lạc bước về một vùng quê nào đó, nếu may mắn, bạn có thể bắt gặp một giếng làng cổ kính còn lưu lại tự ngày xưa. Tuy giá trị sử dụng không còn như trước nữa, nhưng giá trị văn hóa của những giếng làng mãi mãi là một điều thiêng liêng, lắng đọng vào nơi sâu thẳm nhất của trái tim con người...