“Chuyện nhỏ”…..!?

(NTO) Trước đây, tính tôi vốn nóng nảy, chuyện dù nhỏ cũng “phang” ầm ầm nên hay mất lòng hàng xóm. Thấy không ổn, ông cụ nhà kế bên khuyên bảo: Trong cuộc sống, con cứ cho chuyện lớn thành chuyện vừa, chuyện vừa thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như chẳng có gì, thế là đời vui vẻ. Nghe lời cụ, tôi cứ cho mọi việc về “chuyện nhỏ”, nhờ vậy mà cuộc sống hàng ngày của tôi bây giờ cứ tựa như lông hồng. Nhưng có lẽ “Chuyện nhỏ” dưới đây thì lại hoàn toàn khác…!

Chuyện nhỏ trong gia đình.

Anh hàng xóm khu phố tôi làm việc tại ở một cơ quan tỉnh, chức tước gì đó không rõ chỉ biết anh có những “chiêu” khá lạ. Ở gia đình anh thống nhất với vợ: Chuyện lớn để anh lo, chuyện nhỏ em giải quyết. Thế là tất tần tận chuyện gia đình, từ cơm nước, dọn dẹp, chăm sóc con cái…chị vợ “đảm” hết. Vợ phàn nàn, anh nói: “Chuyện nhỏ” em cứ toàn quyền quyết. Có lần vui quá chén với "đàn em", lúc tính tiền anh cao hứng: “Chuyện nhỏ”, các chú để anh tính. Thế là đi tong gần tháng lương. Vợ hỏi tiền nộp đầu năm học mới cho con anh gãi đầu, gãi tai “tháng này lương chậm” em ứng tạm đâu đó đi. Oái oăm thay, con xin tiền mua xe đạp đi học, mẹ bảo: “chuyện lớn” hỏi xin cha con đi, cha lại nói: " chuyện nhỏ" cứ hỏi mẹ ấy!. Thế rồi chỉ vì anh lo toàn chuyện lớn, chuyện nhỏ giao cho vợ, vậy nên anh dạy bảo gì con cái chẳng đứa nào chịu nghe lời cả. Giận lắm, vì ở cơ quan anh nói còn có người nghe còn ở nhà mình anh như người thừa!? Vậy nên có người khuyên anh đừng xem thường “chuyện nhỏ” nếu không có ngày “mất cả chì lẫn chài” đấy!

"Chuyện nhỏ" ở trường học.

Đưa con tựu trường về (chả là năm nay con gái đầu của tôi vào lớp một) bà xã tôi mừng ra mặt: Thế là con mình được học trường chuẩn quốc gia nhé, nhà hai lầu kiên cố, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy tốt, học tốt...Họp phụ huynh học sinh đầu năm học về cô ấy còn vui hơn: Trường quốc gia, trường điểm của tỉnh có khác, năm học vừa qua cái gì cũng nhất, giáo viên giỏi cấp thành phố nhiều nhất, học sinh giỏi nhất, thể thao nhất, văn nghệ cũng nhất toàn thành phố…!

Tin tưởng trường điểm, trường chuẩn thì chắc chắn cái gì cũng nhất, nên có bữa cháu đi học về quần ướt nhèm mẹ la “không biết giữ vệ sinh”, cháu khóc. Tưởng chỉ là chuyện bất chợt, ai dè mấy ngày sau đón con đi học về thấy mùi…khó chịu, cháu cho biết giờ ra chơi không chờ nổi đến lượt.. vì bạn quá đông. Không tin là như thế, cô ấy hỏi một số bà mẹ có con học lớp một cùng trường thì nhận được cảnh tương tự, thế rồi họ cùng nhau tới gặp Ban giám hiệu để hỏi cho ra nhẽ. Cô hiệu trưởng dịu dàng: Các chị thông cảm, trường có trên 700 học sinh nhưng nhà vệ sinh chỉ đủ chỗ cho khoảng 70 em, năm học vừa qua nhờ phụ huynh đóng góp đã nâng cấp khu vệ sinh tốt hơn nhưng…. Thôi thì chào thua vậy, các chị thở dài... trường chuẩn quốc gia mà khu vệ sinh thì “cấp…”. Họ cùng nhau hội thảo rồi đi đến thống nhất: Có lẽ khi xây dựng trường học “người ta” xem nhà vệ sinh chỉ là “chuyện nhỏ”!?

Được biết, trong những năm qua, ở các trường học dịch “đau mắt đỏ”, bệnh “chân, tay, miệng”, “đậu mùa”… chiều hướng gia tăng, có nguyên nhân từ nhà vệ sinh mà không “vệ sinh”. Xã hội hiện đại rất cần môi trường trong sạch từ ngay các trường học để con em chúng ta không chỉ có sức khoẻ học hành mà còn là tiền đề giáo dục các cháu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. “Chuyện nhỏ” nhà vệ sinh học đường, ai không tin thì cứ tìm hiểu còn cánh phụ huynh chúng tôi rất mong nhà chức trách, ngành giáo dục quan tâm để “chuyện nhỏ” không còn là nỗi lo hàng ngày của học sinh và các bậc phụ huynh.