Hòa Sơn: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hướng đến phát triển kinh tế bền vững

(NTO) Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đang nỗ lực phát huy các lợi thế sẵn có vươn lên phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Được xem là vùng kinh tế mới nhiều tiềm năng, nhưng Hòa Sơn cũng là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, với phần lớn diện tích tự nhiên là đất rừng và gò đồi. Theo thống kê, trong hơn 6.500 ha tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã thì diện tích đất canh tác chỉ có khoảng 1.000 ha. Địa phương hiện có 6 thôn, trong đó có một thôn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dân số toàn xã hiện có trên 3.950 nhân khẩu với khoảng 1.110 hộ.

Hệ thống giao thông nông thôn Hòa Sơn được đầu tư, thuận lợi cho người dân đi lại, tham gia sản xuất.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng phần lớn các diện tích đất canh tác của địa phương đều không chủ động nguồn nước tưới, nên việc chọn lựa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp rất được chính quyền quan tâm trong định hướng phát triển kinh tế lâu dài. Theo đó, trong quá trình chuyển đổi xã đã xác định được 2 loại cây trồng chịu hạn chính là cây mì và mía phù hợp với điều kiện và thỗ nhưỡng. Trong đó, cây mì được xem là cây trồng chủ lực để giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Qua gần 5 năm thực hiện chuyển đổi, đến nay cây mì ở Hòa Sơn đã phát triển được diện tích gần 1.080 ha, đứng thứ 2 trong huyện Ninh Sơn, sau vùng nguyên liệu trọng điểm Quảng Sơn. Riêng cây mía, mới chú trọng đầu tư khoảng 3 năm trở lại đây nên diện tích vào khoảng 200 ha. Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây mì đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân từng bước thoát nghèo, thậm chí vươn lên thành hộ khá giả. Hiện nay, hầu hết diện tích trồng mì của Hòa Sơn đã được người dân đưa vào sản xuất theo hướng chuyên canh quy mô lớn, với việc đầu tư cải tạo giống, trồng luân canh rất hiệu quả. Nếu trước đây, khi mới phát triển, cây mì năng suất chỉ đạt từ 18 – 20 tấn/ha thì nay sản lượng bình quân vụ đạt 30 tấn/ha, có vùng đạt gần 35 tấn/ha, với các loại giống cao sản như KM 228, KM 419...

Song song với thay đổi cây trồng hợp lý, Hòa Sơn đang hướng người dân đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Ngoài một số mô hình như: nuôi dê, cừu sinh sản, thì mô hình nuôi bò vỗ béo đang được nông dân trong xã áp dụng có hiệu quả. Với việc nuôi bò theo hướng bán thâm canh, đầu tư đồng cỏ, ủ thức ăn dự trữ và nuôi nhốt chuồng trại hợp lý, chất lượng đàn bò ngày một tăng cao, lợi nhuận thu vào sau khi xuất bán khá lớn. Hiện nay, toàn xã đã có khoảng 100 hộ thực hiện mô hình này, trong đó một số hộ đã vươn lên thoát nghèo, khá giả như hộ ông Ngô Đình Phát (thôn Tân Hiệp); hộ ông Lê Xuân Hân (thôn Tân Tiến)…

Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, Hòa Sơn cũng đã được đầu tư rất nhiều về kết cấu hạ tầng nông thôn: đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế…. Vì vậy không chỉ tạo điều kiện cho địa phương vươn lên phát triển kinh tế bền vững, mà còn góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM. Tính đến nay, Hòa Sơn đã đạt được 8/19 tiêu chí về xây dựng NTM gồm: Quy hoạch, điện, chợ, bưu điện, nước sinh hoạt, hình thức tổ chức sản xuất, lao động việc làm và an ninh. Tuy số tiêu chí đạt được trong chương trình xây dựng NTM còn chậm so với kế hoạch đề ra của một xã điểm nhưng đã góp phần thay đổi rất nhiều bộ mặt nông thôn của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Phi cho biết thêm: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đã có những chuyển biến rất tích cực. Hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 – 6%, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn rất cao trên 40%. Để thực hiện công tác xóa nghèo theo hướng bền vững, địa phương tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư phát triển mô hình mang lại hiệu quả cao đó là cây mì và nuôi bò vỗ béo. Hiện nay, xã rất mong huyện đầu tư hệ thống nước tưới các vùng sản xuất cây mì và hỗ trợ về việc cải tạo giống mới để đây thực sự là cây trồng chủ lực giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững.