Tăng cường quản lý đất đai và chất lượng công trình xây dựng

(NTO) Trong thời gian gần đây, công tác quản lý trật tự xây dựng và kiểm tra chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan cho thấy, vấn đề này vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề yếu kém dẫn đến hiện tượng xây không phép, trái phép còn nhiều, tình trạng công trình kém chất lượng còn diễn ra.

Trăm chuyện trong làng xây dựng

Dạo quanh một vòng trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, sang các huyện Ninh Phước, Ninh Hải…, không khó để nhận ra những ngôi nhà xây dựng trái phép, không phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đê điều… tồn tại. Mặc dù các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn ra, làm phá vỡ kiến trúc đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm nay, qua kiểm tra 156 công trình và nhà ở riêng lẻ, thanh tra sở đã phát hiện có 22 trường hợp xây dựng không phép. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do bức xúc nhu cầu về nhà ở của người dân. Bên cạnh đó, do một số địa phương chưa chú ý và tập trung nhiều cho công tác quy hoạch xây dựng; việc công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc; đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng còn thiếu và yếu; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm còn chưa kịp thời và triệt để.

Do không có điều kiện mua đất thổ cư, nên hiện nay nhiều hộ gia đình đã chọn giải pháp mua đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở. Một số trường hợp thì do không am hiểu pháp luật, nên khi có đất, có tiền là tự ý xây dựng nhà ở mà không đến chính quyền địa phương để xin giấy phép xây dựng theo quy định. Anh Đặng Hồng Văn, phường Phước Mỹ (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Cưới nhau đã gần chục năm nay, vợ chồng mới tích cóp được vài chục triệu chỉ đủ mua miếng đất nông nghiệp hơn 100 m2. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng phải mất thêm vài chục triệu, nên chúng tôi đành làm liều xây ngôi nhà nhỏ để ở. Nếu sau này nằm trong diện quy hoạch thì chúng tôi sẽ tự tháo dỡ.

Trong khi ý thức của người dân còn hạn chế thì chính quyền địa phương lại buông lỏng quản lý, không ngăn chặn, xử lý kiên quyết ngay từ đầu. “Nhiều trường hợp khi bắt đầu giai đoạn làm móng, chính quyền địa phương đến nhắc nhở, đình chỉ xây dựng, nhưng sau đó vẫn cố tình vi phạm, tiếp tục lén lút thi công vào thời gian ngoài giờ hành chính. Chỉ một vài ngày sau, khi cán bộ địa chính trở lại kiểm tra thì ngôi nhà đã được xây dựng gần xong. Hộ này xây dựng được, các hộ khác cứ thế làm theo dẫn đến tình trạng xây dựng nhà ở trái phép diễn ra tràn lan” - ông Nguyễn Văn Hòa-một người dân ở Tp.Phan Rang – Tháp Chàm bức xúc nói.

Cần siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng

Trong lúc việc xây dựng trái phép, không phép vẫn còn diễn ra chưa thể giải quyết dứt điểm thì vai trò trách nhiệm của các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng và tư vấn thiết kế trong việc kiểm định, quản lý chất lượng công trình cũng làm cho đơn vị chủ quản hết sức lo lắng. Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn: Nguyên nhân làm cho các công trình xây dựng kém chất lượng là do lâu nay công tác khảo sát, giám sát thiết kế cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm thiết kế chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó một số cá nhân trong tổ chức tư vấn chưa có chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn còn yếu, thiếu tính sáng tạo, làm việc còn mang tính đối phó, dẫn đến những sự cố đáng tiếc về thiết kế kỹ thuật, nên chất lượng thi công cũng kém theo.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, lẽ ra sau khi ký hợp đồng tư vấn, khảo sát và thiết kế sản phẩm với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thực hiện đủ trách nhiệm của mình là cử cán bộ có chuyên môn trực tiếp khảo sát cẩn thận địa hình, địa chất để cung cấp số liệu chính xác cho bộ phận thiết kế sản phẩm làm nhiệm vụ thiết kế kỹ thuật và hoàn thành cả phần dự toán. Sau khi hồ sơ kỹ thuật và dự toán được hoàn thành sẽ tiến hành công tác thẩm định, phê duyệt chất lượng rồi bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện việc đấu thầu, chọn nhà thầu có năng lực triển khai thi công công trình. Như thế thì chất lượng xây dựng chắc chắn đạt yêu cầu. Nhưng trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu như quy trình này chưa được thực hiện nghiêm túc. Đối với các nhà tư vấn, do áp lực công việc, cùng một lúc ký nhiều hợp đồng, đảm nhận khảo sát, thiết kế sản phẩm với nhiều chủ đầu tư dự án, nên công tác khảo sát địa hình, địa chất thường dựa trên con số tính toán về mặt lý thuyết chung. Đối với kỹ sư thiết kế, sau khi nhận được kết quả khảo sát thường sử dụng hình thức sao chép, lắp ghép thiết kế kỹ thuật từ những bản vẽ của một số công trình trước đó có một số hạng mục tương đối giống nhau về hình thức, khối lượng để tạo ra sản phẩm gọi là mới, rồi giao bản vẽ cho chủ đầu tư xem như trách nhiệm hợp đồng hoàn tất.

Chính sự tắc trách của các tư vấn như đã nêu trên, nên có trường hợp công trình được nhà thầu chú tâm xây dựng theo bản vẽ thiết kế kỹ thuật, nhưng vẫn không đảm bảo yêu cầu. Do vậy, nhà thầu thường bị “oan” khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xác định công trình kém chất lượng. Một vấn đề khác cũng được đông đảo chủ đầu tư phản ánh khá bức xúc, đó là lẽ ra trong quá trình xây dựng công trình cho đến khi hoàn thành, các nhà tư vấn giám sát phải cử cán bộ có chuyên môn kỹ thuật cao giám sát chặt chẽ công trình, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót kỹ thuật của các đơn vị thi công, nhưng do công tác này không đảm bảo đã tạo kẽ hở cho bộ phận nhà thầu lợi dụng để thi công gian dối.

Từ những thực tế nêu trên, thiết nghĩ trong thời gian tới tỉnh ta cần có những giải pháp cụ thể để chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đất đai và chất lượng các công trình xây dựng.