CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đúng giờ vẫn chưa đủ!

(NTO) Anh bạn vong niên của tôi mới lãnh sổ hưu cách đây dăm tháng. Có lẽ thời gian nghỉ hưu còn quá ngắn so với gần 40 năm làm việc nên “cái chất” công chức trong anh chưa “nhạt” đi là mấy, đó là thói quen chỉn chu có phần quá nghiêm túc trong ăn mặc khi ra đường, đặc biệt là giờ giấc, giờ nào việc đó.

Này nhé, 6 giờ 15 đi làm và việc đầu tiên là ăn sáng, uống cà phê với bè bạn đến 7 giờ có mặt ở cơ quan, còn thời gian đến cuối buổi làm là… tùy theo công việc chung có, riêng có!. Anh bảo: - Có đến 1001 lý do để xin về sớm, đi trễ trong cơ quan nhà nước miễn là công việc được giao mình phải hoàn thành đúng, đủ, chất lượng theo yêu cầu!. Ngẫm lại thực tế mới “giật mình” bởi các lý lẽ mà công chức, viên chức tôi có dịp cùng uống cà phê và… “pháo” đến quá giờ phải có mặt tại cơ quan để làm việc, có khi là cả nửa buổi và lý do chung nhất được đưa ra là: - Việc "nhà nước" nay không làm thì mai làm, miễn là xong thì thôi!.

Có người còn viện dẫn câu “dân cần nhưng quan trễ” có sao đâu?. Còn có ý kiến xem ra cũng rất… lý do rằng:

-Công việc được giao không nhiều, chỉ làm “loáng” chút là xong nên đến cơ quan không chừng “tốn” điện vì rỗi việc, chỉ có lên mạng Internet để xem phim, đánh cờ, nghe nhạc… tùy theo sở thích cho hết giờ!.

Thực ra, các lý lẽ đã nêu cũng tùy thuộc vào tính chất công việc của từng cơ quan, từng bộ phận. Đối với cơ quan công quyền, tiếp xúc trực tiếp với dân nhất là ở cấp cơ sở, ngay từ sáng sớm người dân đã đến chờ khi có việc cần giải quyết thì cán bộ nhất là ở bộ phận "một cửa" không thể đến trễ được. Còn ở các ngành do nhiều bộ phận không tiếp xúc trực tiếp với dân (trừ bộ phận "một cửa") thì công chức các phòng chỉ làm công tác nghiên cứu, tham mưu… nên thời giờ làm việc rất dễ bị “cắt xén” cho việc riêng, cả khi “nghiêm túc” có mặt ở cơ quan, đơn vị… Chỉ có điều, dù ở cơ quan nào chăng nữa nhưng hình ảnh “ông công bộc” tuy đã quá giờ làm mà còn tà tà cà phê, ăn sáng thì rất dễ để lại ấn tượng không đẹp trong mắt người dân. Theo kinh nghiệm được rút ra từ ông bạn vong niên của tôi là: làm việc đúng giờ chỉ mới là điều kiện “cần” còn yếu tố “đủ” kia là từng cơ quan, đơn vị phải giao việc cụ thể cho từng người trên cơ sở xác định thời gian hoàn thành, chất lượng và hiệu quả khi thực hiện công việc được giao. Hay nói khác hơn là phải “rõ người, rõ việc, rõ cách làm”. Nếu thực hiện tốt các điều kiện đó sẽ tạo nên “hình mẫu” về công chức Nhà nước đúng nghĩa theo tinh thần cải cách hành chính nói chung và góp phần đưa Chỉ thị 57-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh” nói riêng.