CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN NINH PHƯỚC LẦN THỨ II

Ổn định đời sống gắn với giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Phước

(NTO) Nhân Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Ninh Phước lần thứ II (giai đoạn 2014-2019), phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Y, Phó Chủ tịch UBND huyện về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc 5 năm qua và nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến.

Đồng chí Phạm Y,
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước

Phóng viên: Được biết với đặc điểm là huyện có đông đồng bào DTTS, các chính sách dân tộc được địa phương thực hiện khá toàn diện trong những năm qua. Đồng chí có thể cho biết đã có những chuyển biến như thế nào trong sản xuất và đời sống của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn?

- Đồng chí Phạm Y: Toàn huyện Ninh Phước có dân số trên 148.000 người, trong đó chiếm 32,78% là DTTS, bao gồm dân tộc Chăm (30,6%), dân tộc Raglai (1,8%), dân tộc Hoa (0,26%) và dân tộc khác (0,06%). Đồng bào các DTTS trong huyện chủ yếu sinh sống bằng nghề nông với 81% số hộ làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi, trồng rừng, 14,5% số hộ hoạt động thương mại, dịch vụ và khoảng 4,5% làm nghề dệt thổ cẩm, đồ gốm truyền thống.

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội lần thứ I (giai đoạn 2009-2014), kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào DTTS Ninh Phước không ngừng được đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; kinh tế ngày càng phát triển, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định. Các hạng mục công trình được đầu tư xây dựng như mạng lưới điện quốc gia đã phủ kín 100%; nước sinh hoạt đáp ứng 90% hộ dân; có 8 trạm y tế, 22 trường học được nâng cấp, tu sửa; 3 chợ, 7 nhà văn hóa Chăm, 2 nhà văn hóa Raglai và Trung tâm Thể dục-Thể thao thôn Hữu Đức (Phước Hữu) được xây dựng mới. Bên cạnh đó việc đầu tư sửa chữa đền, tháp của đồng bào Chăm được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức nhằm phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc Chăm. Từ đó từng bước nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần trong đồng bào DTTS. Các ngành nghề tiểu-thủ công nghiệp và dịch vụ cũng được quan tâm đầu tư và phát triển nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Các làng nghề truyền thống Chăm được khôi phục, phát triển và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, 7/7 xã (trừ thị trấn Phước Dân) có đồng bào DTTS đã hoàn thành các loại quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 2 xã vùng đồng bào DTTS (Phước Thái, Phước Vinh) đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Phóng viên: Để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, trong thời gian tới huyện Ninh Phước tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nào thưa đồng chí?

- Đồng chí Phạm Y: Với mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, thu hẹp chênh lệch mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng đồng bào DTTS, Ninh Phước đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019. Theo đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã đồng bào DTTS sinh sống, như: đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương cấp 2, 3, cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường, bưu điện-văn hóa xã và nhà văn hoá xã để phấn đấu đến năm 2015 có 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; đến năm 2019, các xã còn lại đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Trọng tâm nhiệm vụ là tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống, gắn với giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển 3 làng nghề (gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ); đồng thời khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống trong đồng bào DTTS. Tiếp tục xây dựng các khu dân cư mới, quy hoạch sắp xếp, phân bổ hợp lý dân cư; thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào phát triển kinh tế gia đình. Chú trọng nâng cao dân trí, triển khai công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài trong vùng đồng bào DTTS. Có kế hoạch đào tạo nghề và hướng dẫn tư vấn, tạo việc làm tại chỗ, ưu tiên và thu hút lao động là con em đồng bào DTTS vào các ngành nghề phù hợp theo khả năng, trình độ. Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, đúng thực chất; xây dựng nếp sống văn minh, xoá dần các tập tục lạc hậu, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng thôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!