Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Huyện Thuận Nam có dân số gần 60.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (Chăm, Raglai, Hoa, Tày, Nùng...) chiếm khoảng 29,72%, sống tập trung chủ yếu tại 3 xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Hà.

Đồng chí Ngô Văn Sậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế phát triển đã tạo sự thay đổi trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong huyện, nhất là đồng bào Chăm, Raglai, góp phần ổn định đời sống và giữ vững an ninh chính trị tại địa phương. Tại vùng đồng bào DTTS, 80% đường giao thông nông thôn và đường nội đồng được đầu tư nâng cấp, bê tông hoá để phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá. Về đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, ở các vùng này đã được Nhà nước đầu tư kinh phí trên 14 tỷ đồng, xây dựng 9 công trình kênh mương thuỷ lợi với chiều dài hơn 12 km. Ngoài ra còn có nguồn kinh phí đầu tư khác xây dựng kênh mương phục vụ tưới tiêu tại 3 xã Phước Nam, Phước Hà và Phước Ninh.

Nông dân xã Phước Nam làm đất chuẩn bị xuống giống vụ mùa.

Nhìn chung, kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng đồng bào DTTS được ưu tiên đầu tư, đã làm tăng thêm năng lực tưới trên phạm vi toàn huyện. Việc thực hiện các chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo các chương trình 134,135, 755, 167 đã mang lại kết quả nhiều mặt, theo đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên, bộ mặt nông thôn trong vùng có sự chuyển biến đáng kể và ngày càng đổi mới. Đặc biệt những năm gần đây, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động trên địa bàn 3 xã Phước Hà, Phước Nam và Phước Ninh ngày càng tăng cường. Đến nay vùng đồng bào DTTS có 100% trục đường chính được nhựa hoá, 100% thôn có điện sinh hoạt, 3 xã có Trạm Y tế và 3 xã có Trung tâm học tập cộng đồng. Cơ sở vật chất cho y tế cơ bản đủ đáp ứng công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân; giáo dục ở các xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi. Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các DTTS, đến cuối năm 2013 còn 9,01%.

Hệ thống giao thông xã vùng cao Phước Hà đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
 

Với bước phát triển đáng kể về kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã không ngừng được cải thiện. Qua phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong vùng, tình hình an ninh, chính trị ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng giữ vững; hệ thống chính trị từng bước được củng cố, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở được nâng lên, công tác điều hành, quản lý trên các lĩnh vực được chú trọng. Từ đó tạo được niềm tin của đồng bào DTTS đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ bài học kinh nghiệm đúc rút 5 năm qua, huyện Thuận Nam đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với vùng đồng bào DTTS. Để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân, Thuận Nam gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trong việc thực hiện các dự án đầu t­ư phát triển kinh tế-xã hội, tr­ước hết tập trung vào phát triển giao thông và kết cấu hạ tầng, chương trình giảm nghèo. Về văn hóa-xã hội, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn quốc gia, củng cố Trung tâm học tập cộng đồng, các Nhà văn hoá xã vùng đồng bào DTTS; tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đầu tư hoàn chỉnh các Trạm y tế để đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015, bố trí cán bộ y tế đảm bảo cho công tác khám sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Cùng với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Thuận Nam đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong từng thôn. Trọng tâm là xây dựng lực lượng cốt cán, nhân sĩ trí thức, người có uy tín để tham gia cùng chính quyền giải quyết vụ việc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS.