Bác Hồ với sự nghiệp “trồng người”

Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Qua những bức thư Bác gửi giáo viên, học sinh, chúng ta thấy tư tưởng của Bác về giáo dục vẫn mang tính thời sự, là kim chỉ nam cho công cuộc Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Để động viên các em học sinh bước vào năm học mới, tháng 9/1945, Bác Hồ đã viết “Thư gửi cho các học sinh” (1). Với tình cảm hết sức thân ái, tâm tình, Người chỉ bảo cho các em thấy được cái may mắn và vinh dự khi được hưởng một nền giáo dục mới, với mục đích hết sức tốt đẹp là đào tạo nên những người công dân có đức, có tài. “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người (Ảnh tư liệu)

Bác không quên nhắc nhở các học sinh hiểu rõ nguồn cội: “Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công bao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để giành độc lập cho nước nhà”.

Không chỉ vậy, Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng danh nước nhà. Bác viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Lời dạy của Bác đã thấm sâu vào lớp lớp thế hệ trẻ; là nguồn cổ vũ, gửi gắm trọn niềm tin của Người vào thế hệ trẻ. Và Bức thư Bác viết đã trở thành chân lý của thời đại.

Ngày 31/10/1955, Bác Hồ có “Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng” (2) nhân dịp các trường bước vào năm học mới. Trong phần đầu thư, Bác viết: “Trong năm học vừa qua, từ khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các thầy giáo và cán bộ đã cố gắng nhiều. Các cháu học trò đã có những tiến bộ khá. Nhà trường đông đúc vui vẻ. Đó là một thành tích đáng mừng. Nhưng đó mới là bước đầu”.

Bác định hướng rõ mục tiêu: “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến. Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”.

Không nói những lời giáo điều, Bác giao nhiệm vụ cụ thể: “Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân”.

Có thể thấy, ngay từ những năm 1955, trong hoàn cảnh đất nước cực kỳ khó khăn, Bác Hồ đã tẩy chay tư tưởng học để lấy bằng cấp, dạy học theo lối nhồi sọ. Điều quan trọng mà Bác muốn gửi gắm là phải xây dựng một nền giáo dục dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân.

Tiếp theo bức thư này, với mỗi một bậc học, Bác đặt ra yêu cầu hết sức cụ thể, xác thực tùy theo tâm lý độ tuổi. Chẳng hạn với bậc Tiểu học, Bác đề nghị, cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu;

Với bậc Trung học thì Bác mong muốn, cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Còn riêng với bậc Đại học, thì Bác quán triệt cần kết hợp lý luận khoa học gắn liền với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Cuối thư, Bác Hồ đánh giá cao vai trò của gia đình đối với việc học tập của con em. Bác nhấn mạnh: Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân.

Những điều Bác Hồ mong muốn với ngành Giáo dục bình dị, mà lớn lao, cụ thể. Nhiệm vụ Bác giao cho tưởng như “đơn giản” nhưng để hoàn thành tốt cũng không dễ dàng gì.

Ngày 15/10/1968, Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục. Những điều Bác Hồ viết trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới” (3) vẫn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Đầu thư, Bác hết sức cảm kích những cố gắng lớn lao của nền giáo dục nước nhà, mặc dù trong hoàn cảnh cả nước còn chiến tranh nhưng sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt. Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ. Bác cho rằng, làm được như vậy là nhờ Đảng có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng và cũng do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tình cảm sâu nặng, chân tình của Bác Hồ với các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên và những lời khen đối với ngành Giáo dục không chỉ khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của học sinh, sinh viên trong những năm tháng ác liệt.

Trong bức thư, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên ba điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng;

Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật;

Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.

Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Cuối thư, Bác yêu cầu của nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới”.

Hiện nay, giáo dục và đào tạo nước ta đang có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng, chưa theo kịp với công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Qua các bức thư gửi thầy cô giáo, học sinh đã thấy rõ tầm nhìn của một vĩ nhân về giáo dục. Những tư tưởng, triết lý giáo dục của Người vẫn mang tính thời sự, đặc biệt trong tiến trình Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đang được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

-----------------------------

(1)- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.8

(2)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.80 - 81.

(3)- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.402 – 404.