Doanh nghiệp tuyên bố “sát cánh” cùng Chính phủ

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa đưa ra Tuyên bố về chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đây cũng chính là mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt trong suốt thời gian qua.

Góp phần thực hiện mục tiêu này, tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 19/9, đại diện VCCI và tất cả các hiệp hội doanh nghiệp đã cùng ký vào Tuyên bố trên.

Ảnh VGP/Thành Đạt

Thông điệp quan trọng của Tuyên bố là “liên kết doanh nhân Việt, sát cánh với Chính phủ, đồng hành cùng doanh nhân quốc tế, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, có sức cạnh tranh cao”.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện và quá trình hồi phục kinh tế đang bắt đầu, nhưng chặng đường sắp tới với cộng đồng doanh nghiệp và với VCCI vẫn tiếp tục là chặng đường gian nan, vất vả.

Chương trình hành động của cộng đồng doanh nghiệp chính là nhằm thực hiện sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân thời gian tới trong việc đưa nền kinh tế, đất nước phát triển tự chủ, tránh được bẫy thu nhập trung bình và của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong vai trò đại diện, liên kết và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nhân phát triển.

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ kỳ vọng Chương trình hành động này của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ đóng góp thiết thực vào công cuộc đột phá, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của đất nước trong thời gian tới.

Tại tuyên bố, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khẳng định hướng tới hai mục tiêu cần đạt được trong vòng 10 năm tới. Đó là có được một triệu doanh nghiệp Việt hoạt động hiệu quả; có một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thực hiện ba phương châm: Liên kết doanh nhân Việt; sát cánh với Chính phủ; đồng hành cùng doanh nghiệp trên thế giới.

Theo định hướng đó, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, phối hợp thực hiện bốn nhóm hành động quan trọng.

Thứ nhất, sát cánh cùng Chính phủ góp phần tạo đột phá thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia xây dựng, phản biện, giám sát, thúc đẩy quá trình đổi mới chính sách và cải cách thủ tục hành chính; tích cực và chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định, thủ tục hành chính, phản ánh với Chính phủ, các cơ quan, bộ ngành. Định kỳ, rà soát các vướng mắc để kiến nghị kịp thời cho Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan…

Thứ hai, chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng nhau nỗ lực tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển thương hiệu. Phát triển rộng khắp doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời có biện pháp hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp và thương hiệu lớn.

Từ đó, bảo đảm khả năng tự chủ của nền kinh tế, đưa sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đạt mức tiên tiến trong các nước ASEAN và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nhóm giải pháp tiếp theo là tăng cường liên kết, xây dựng hệ thống hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh; nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nhân Việt.

Nguồn www.chinhphu.vn