Giáo viên vùng cao

(NTO) Nếu ai đã từng một lần lên với những ngôi trường ở huyện miền núi Bác Ái hay các xã Phước Kháng, Phước Chiến (Thuận Bắc), Ma Nới (Ninh Sơn)… hẳn sẽ khó lòng quên được những hình ảnh đẹp nổi bật lên giữa những khó khăn, vất vả bộn bề của những giáo viên vùng cao.

Những ai đã một lần đi trên con đường từ trung tâm thị trấn Tân Sơn lên xã miền núi Phước Bình (Bác Ái) hẳn sẽ bị mê hoặc bởi cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ và không khí trong lành. Nhưng, với những thầy, cô giáo đang công tác ở Phước Bình thì con đường với khoảng cách dài gần 40 km ấy thật sự là một thử thách lớn, đặc biệt vào mùa mưa bão. Bởi chỉ cần một trận mưa lớn, nước nguồn đổ về thì hầu hết các con suối đều không thể đi qua được.

Cô và trò Trường TH Phước Đại B (Bác Ái).
Những giáo viên đang công tác tại các trường miền núi trên địa bàn tỉnh ta hầu hết đều còn rất trẻ, chưa lập gia đình… cuộc sống ở miền núi heo hút, điều kiện ăn ở, đi lại còn nhiều thiếu thốn, khó khăn… nhưng họ vẫn say sưa cống hiến cho nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian xa gia đình của những giáo viên miền xuôi càng dài hơn; thầy, cô giáo muốn ra thị trấn mua thêm sách, vở, vật liệu thiết kế đồ dùng dạy học… cũng khó khăn hơn. Con đường đến trường của học sinh có thêm một trở ngại nên giáo viên lại càng vất vả hơn khi phải đến tận nhà động viên các em ra lớp. Giới thiệu với chúng tôi về những bức tranh, góc học tập, hình ảnh… được cắt dán thủ công trang trí trong lớp học, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường PTDTBT TH Phước Bình B chia sẻ: Với học sinh miền núi thì những hình ảnh đẹp trong lớp học luôn là điều hấp dẫn các em nhất. Bởi nhà trường không chỉ là nơi các em đến để học tập mà còn là sân chơi, là “trung tâm” văn hóa-giải trí mà các em có được. Cũng chính vì vậy nên những giáo viên miền núi lại càng vất vả, bận rộn hơn sau mỗi giờ lên lớp. Nào sưu tầm tranh ảnh, thiết kế cách trang trí lớp học phù hợp văn hóa truyền thống dân tộc, tạo ra những trò chơi nhỏ, làm đồ dùng dạy học… tất cả đều phải có bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và chịu khó, kiên nhẫn. Với tài năng, tâm huyết của các thầy, cô giáo nên những lớp học ở miền núi trên địa bàn tỉnh ta hiện nay hầu hết đều được trang trí rất đẹp mắt với những hình ảnh hết sức ngộ nghĩnh, dễ thương. Rất nhiều những công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và hỗ trợ giáo dục ngoại khóa cho học sinh như: thư viện ngoài trời, công viên, mô hình biển đảo, vườn hoa cây cảnh, nhà sàn… đã được tạo nên từ tâm huyết, tình yêu nghề, yêu học sinh của giáo viên vùng cao. Và cũng từ những công trình ấy, mỗi giáo viên dường như đã bộc lộ thêm những tài năng mới của mình như: thợ hồ, thợ mộc, thợ vẽ, trồng cây…

Giáo viên vùng cao không chỉ là thầy, cô giáo mà còn như cha, mẹ, người thân…. của học sinh. Nhiều em đã kiên quyết bỏ học nhưng trở lại trường chỉ vì “thương thầy, cô giáo lặn lội đường xa nhiều lần đến nhà, lên rẫy động viên…”. Với nhiều giáo viên vùng cao, một ngày mới bắt đầu bằng việc đi vào thôn, đến tận nhà gọi học sinh ra lớp. Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, học sinh nghỉ học, vì đường trơn trợt… giáo viên lại tự bỏ tiền mua áo mưa, mua dép cho các em. Thầy giáo Nguyễn Minh Hoài, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh cho biết: Những ngôi trường miền núi đã trở thành nơi “se duyên” cho nhiều thầy, cô giáo lên công tác, để rồi họ “bén rễ xanh cây” và vẫn tiếp tục gắn bó, nỗ lực hết mình cho sự nghiệp gieo chữ vùng cao. Tôi nhớ lời cô giáo Nguyễn Thị Phương Linh, Trường TH Phước Thắng (Bác Ái) chia sẻ khi đi vận động học sinh ra lớp: Chúng tôi không chỉ là người đi dạy mà cũng là “học trò” học lại nhiều thứ từ học sinh. Đó là tiếng nói, là văn hóa, phong tục tập quán, là tình nghĩa thầy trò, là những bài học về lòng yêu thương hết sức mộc mạc…. Không có những khoản thu nhập từ dạy thêm, không có những món quà mang giá trị vật chất vào mỗi dịp lễ, tết… ý nghĩa hơn cả với những giáo viên vùng cao là học sinh đến lớp đầy đủ mỗi ngày và các em chăm ngoan, tiến bộ hay những thế hệ học sinh trưởng thành và trở về cống hiến cho quê hương!