Vấn đề hôm nay:

“Tái cơ cấu”… giống cây trồng!

Kinh nghiệm về hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp từ xưa đến nay được đúc kết chỉ gói gọn trong 4 chữ: “nước, phân, cần, giống”. Những năm gần đây cùng với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật đã làm thay đổi lớn về tập quán sản xuất, đặt biệt đã có nhiều mô hình mới được đưa vào áp dụng như về cây lúa có mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… rất hiệu quả: đó là giảm chi phí đầu tư “đầu vào” nhưng vẫn đạt năng suất cao và điều lớn hơn là đạt được “độ sạch” của nông sản, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu thụ, đồng thời giảm tác hại về môi trường và cả sức khỏe của người sản xuất trực tiếp. Tuy nhiên, nói gì thì nói nếu thiếu một trong 4 yếu tố nêu trên thì sẽ khó đạt kết quả mong muốn, nhất là trong điều kiện sản xuất của tỉnh ta. Chỉ tính riêng ở yếu tố giống, nhìn vào cách làm thực tế của các nông hộ trong tỉnh cũng còn nhiều điều đáng bàn. Riêng nhu cầu sản xuất lúa, bình quân hàng vụ nông dân trong tỉnh cần từ 3.000-3.500 tấn (tùy theo diện tích từng vụ) giống lúa các loại.

Nông dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, mua giống lúa chất lượng
vào sản xuất vụ mùa 2014. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp là cần đưa các giống chất lượng vào sản xuất, điều này cũng có nghĩa là cần mua giống ở các cơ sở có uy tín, bởi lẽ một khi đưa giống có chọn lọc, kiểm chứng…hẳn hoi vào làm thì cây lúa sẽ phát triển tốt kháng được sâu bệnh, đạt năng suất cao. Thế nhưng, tại nhiều địa phương ngoại trừ các HTX dịch vụ nông nghiệp còn duy trì ứng trước giống, vật tư, phân bón… thì bà con còn thực hiện, ngược lại nơi nào sản xuất “tự do” thì phổ biến tình trạng sử dụng lúa thịt của vụ trước để lại làm giống cho vụ sau và cứ thế tiếp diễn. Hoặc tình trạng chọn giống theo “cảm tính” bằng hình thức thấy “mã lúa” của nông hộ khác “đẹp” thì mua hoặc đổi để làm. Gặp lúa tốt không nói gì nhưng nếu gặp phải lúa tuy “tốt mã” nhưng đã bị nhiễm rầy, sâu bệnh thì khi đưa vào sản xuất sẽ “rã đám” là tất yếu…Điều cũng đáng nói là dù “bài học nhãn tiền” là vậy nhưng nhiều nông hộ vẫn rất chủ quan trong việc chọn giống!. Suy rộng ra, không chỉ giống lúa mà nhiều giống cây trồng khác trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng tương tự.

Làm gì để giải quyết tình trạng này?. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa phần bà con nông dân rất muốn có giống mới để sản xuất. Tuy nhiên có mấy lý do còn ngần ngại đó là: thiếu thông tin về cơ cấu giống khi tới vụ; thiếu hiểu biết về địa chỉ cung cấp giống tốt cả khuyến cáo về từng loại giống; thiếu… tiền để mua giống bởi lẽ giá giống thường cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá lúa thịt và cái thiếu cuối cùng là thiếu hướng dẫn về kỹ thuật mới để vừa tiết giảm chi phí lại vừa đạt năng suất cao, lợi nhuận thu khá.

Để trả lời câu hỏi trên và giúp nông dân chuyển từ “thiếu” thành “đủ” ngoài nỗ lực tự thân cũng rất cần những giải pháp tháo gỡ từ ngành nông nghiệp, đầu tiên là thực hiện “tái cơ cấu”… về giống.