Đến với bài thơ hay: Lá đơn tình nguyện

Tôi tám hai tuổi
Vài tháng nữa tám ba
Viết đơn xin tình nguyện
Làm chiến sỹ Trường Sa

Thời vua Trần giữ nước
Cũng có giặc ngoại xâm
Họp Lão Binh Diên Hồng
Thề quyết đánh, quyết thắng

Pháp nhảy lên Đà Nẵng
Nguyễn Công Trứ quê ta
Tuổi cụ cũng tám ba
Viết đơn xin ra đánh

Tôi hậu duệ, còn mạnh
Đánh Pháp, Mỹ xong rồi
Nay Hoàng Sa dậy sóng
Không lẽ bó tay ngồi

Tôi không còn riêng tôi
Máu của triệu triệu người
Của ông cha thuở trước
Đang cuộn trào trong tôi

Tôi tám hai tuổi
Vài tháng nữa tám ba
Viết đơn xin tình nguyện
Làm chiến sỹ Trường Sa

(Sỹ Nhiếp)

Có thể nói những gì diễn ra ở Biển Đông trong thời gian qua đã làm phẫn nộ từ hàng triệu trái tim của người Việt Nam.

Trong tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số chuyên đề về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, sau tuyên bố cực lực phản đối Trung Quốc của các Hội chuyên ngành như Hội Nhạc sỹ, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh là gặp ngay bài thơ Lá đơn tình nguyện của tác giả Sỹ Nhiếp.

Điều đáng nói, dù bất cứ ai được đọc bài thơ này một lần cũng dễ thuộc ở khổ thơ đầu tiên và cũng là khổ thơ cuối cùng của bài thơ: Tôi tám hai tuổi/ Vài tháng nữa tám ba / Viết đơn xin tình nguyện/ Làm chiến sỹ Trường Sa… Vì sao vậy? Vì đây là điểm nhấn của bài thơ, có thể nói tác giả Lá đơn tình nguyện đã viết bằng máu của tim mình, và cũng là máu của cả dân tộc ta khi phải bảo vệ non sông đất nước.

Xem ra thế, một bài thơ thế sự mang tính thời sự cao bao giờ cũng rất hấp dẫn lòng người, nhất là trong lúc đất nước có nguy cơ giặc ngoại xâm!

Bố cục bài thơ thật chặt chẽ, đi từ truyền thống giữ nước của ông cha …Thời vua Trần giữ nước/ Họp Lão Binh Diên Hồng… đến…Pháp nhảy lên Đà Nẵng/ Nguyễn Công Trứ quê ta/ Tuổi cụ cũng tám ba/ Viết đơn xin ra đánh…

Hai chữ quê ta, tác giả bài thơ muốn nói cụ Nguyễn Công Trứ quê Hà Tĩnh và tác giả Sỹ Nhiếp cũng quê Hà Tĩnh. Hình như có cái gì đó rất ngẫu nhiên gợi cho sỹ Nhiếp làm bài thơ này khi anh “Vài tháng nữa tám ba”… Tiếp đến là sức mạnh của dân tộc ta khi nhận ra kẻ xâm lược không ai khác, mà chính là kẻ đã từng lớn tiếng “mười sáu chữ vàng” rồi nào là “bốn tốt”… nên tác giả Sỹ Nhiếp không thể không viết Lá đơn tình nguyện vì một nhẽ: …Tôi không còn riêng tôi/ Máu của triệu triệu người/ Của ông cha thuở trước / Đang cuộn trào trong tôi…

***

Bài thơ có 6 khổ thơ nhưng thực ra chỉ có 5 khổ bởi như đã nói ở trên, khổ mở đầu cũng là khổ kết thúc vì đó là điểm nhấn của bài thơ:

Tôi tám hai tuổi
Vài tháng nữa tám ba
Viết đơn xin tình nguyện
Làm chiến sỹ Trường Sa

Rõ ràng khổ thơ trên không chỉ là lời động viên các chiến sỹ của ta đang ngày đêm bảo vệ Trường Sa mà cả dân tộc ta đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, nói thẳng thắn rằng, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.