Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh ta hiện nay

(NTO) Ở tỉnh ta hiện nay, tiếng Anh là môn ngoại ngữ bắt buộc giảng dạy trong trường học với 100% học sinh cấp THCS và THPT. Tuy nhiên, đa số học sinh hiện nay vẫn đang xem nhẹ tầm quan trọng của môn tiếng Anh hoặc “sợ” những giờ học tiếng Anh nên chỉ học theo cách đối phó, học để đủ điểm... Theo thống kê về tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của Sở GD&ĐT, số học sinh chọn thi môn tiếng Anh chỉ chiếm 15,4%.

Đa số học sinh THCS, THPT ở khu vực nông thôn, miền núi khi được hỏi đều có những câu trả lời giống nhau như: “Em không thích học tiếng Anh”, “Em sợ nhất môn tiếng Anh” hoặc “Em không học giỏi tiếng Anh”… Chất lượng giáo dục mũi nhọn môn tiếng Anh của tỉnh ta trong những năm qua cũng còn nhiều hạn chế, số lượng giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp quốc gia, khu vực chưa nhiều.

Tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.

Lý giải về điều này, nhiều thầy, cô giáo cho rằng nguyên nhân chính là vì, kiến thức và kỹ năng căn bản của học sinh còn hạn chế, chưa ưu tiên dành thời gian, cộng với điều kiện học tập và nhận thức chưa đủ nên nhiều học sinh thiếu tự tin, thiếu hứng thú và động cơ học tập. Ông Nguyễn Tấn Phước, chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD&ĐT cho biết: Năng lực và phương pháp giảng dạy của giáo viên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Nhận thức được điều đó, năm 2012, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã tổ chức khảo sát năng lực của giáo viên tiếng Anh các cấp trên toàn tỉnh để triển khai dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Đề án 2020). Kết quả khảo sát cho thấy: Phần lớn giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên cấp TH và THCS phải đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ B2 và giáo viên cấp THPT phải đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ C1 theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc theo khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ của cộng đồng chung Châu Âu.

Từ thực trạng đó, trong năm 2013, Sở GD&ĐT đã triển khai các lớp bồi dưỡng và dự kiến đến tháng 10-2014 sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngôn ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh các cấp trên địa bàn tỉnh. Để cải thiện điều kiện, môi trường học tiếng Anh, cùng với những chủ trương, hướng dẫn về chuyên môn, Sở GD&ĐT cũng đã cấp máy cát-sét phục vụ dạy học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh cho tất cả các đơn vị trường học trong toàn tỉnh từ TH đến THPT và cấp máy vi tính, máy chiếu, máy chiếu vật thể, hệ thống âm thanh cho những trường và Phòng GD&ĐT có trường tham gia dạy học tiếng Anh theo Đề án 2020… Ở cấp TH, tiếng Anh đã được rất nhiều trường triển khai dạy học như một môn học tự chọn cho học sinh lớp 3 từ năm học 2011-2012. Đến nay toàn tỉnh đã có 84,3% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng Anh.

Được sự chuẩn bị và bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD&ĐT tổ chức, tỉnh ta cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện dạy học tiếng Anh thí điểm cho học sinh THCS và THPT theo chương trình mới của Đề án 2020. Cụ thể, cấp THCS triển khai từ năm học 2011-2012 cho học sinh lớp 6 của 2 trường THCS Lê Hồng Phong và Lý Tự Trọng (Phan Rang – Tháp Chàm). Cấp THPT thực hiện từ năm học 2013-2014 cho 3 lớp 10, tại 2 trường THPT Nguyễn Trãi và chuyên Lê Quý Đôn. Đến nay, việc dạy chương trình tiếng Anh theo chương trình mới của Đề án 2020 đã được mở rộng cho gần như tất cả các trường THCS trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và 8 trường THCS của 2 huyện Bác Ái, Ninh Sơn.

Trong thời kỳ hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là môn học đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong ba môn thi bắt buộc của kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 vừa được Bộ GDĐT công bố (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh và ngành GD&ĐT thì động cơ, hứng thú và niềm đam mê học tập cũng cần được cải thiện và lan tỏa trong mỗi học sinh và giáo viên ngoại ngữ. Cả người dạy và người học đều phải thật sự nỗ lực, phát huy những thế mạnh trong môi trường học tập để những giờ học tiếng Anh thật sự hấp dẫn và đem lại chất lượng, hiệu quả cao nhất.