BAN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Đầu tư kết cấu hạ tầng từ Quỹ phát triển cộng đồng

(NTO) Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tam nông, tỉnh ta chú trọng thực hiện chủ trương lồng ghép các chương trình, dự án có đầu tư trên địa bàn 27 xã vùng dự án, hướng đến mục tiêu chung là góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công xây dựng hạ tầng kịp thời theo kế hoạch, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) đã tích cực tham mưu giảm bớt các thủ tục về đầu tư thuộc Quỹ phát triển cộng đồng (CDF).

Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh triển khai Quỹ phát triển cộng đồng (CDF) năm 2014.

Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc PCU, kết quả thực hiện tiểu hợp phần CDF đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn tại 27 xã dự án có nhiều cải thiện, thông tin về nguồn vốn CDF được Ban Phát triển xã thông báo đến từng thôn. Từ năm 2013, qua đề xuất các nhu cầu của thôn, các Ban Phát triển xã tiến hành thi công xong 70 công trình, trong đó 42 công trình giao thông nông thôn (chủ yếu là đường nội đồng) 19 công trình thủy lợi (chủ yếu là hệ thống kênh mương), 5 chợ và điểm thu mua nông sản, 4 sân phơi phục vụ chuỗi giá trị cho khu sản xuất với tổng nguồn vốn thực hiện là 40,392 tỷ đồng.

Nhìn chung bước đầu Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đang dần giải quyết các nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, bổ sung cho các hoạt động được đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 ở tỉnh ta. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án CDF, đã cho thấy các xã còn rất lúng túng, chưa quen với thủ tục về quản lý và thực hiện. Các bước tiến hành từ lúc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật cho đến tổ chức đấu thầu của chủ đầu tư trong xây dựng cơ bản thường chậm trễ, nguyên nhân là do chưa gắn kết và báo kịp thời để Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) và PCU hỗ trợ hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời.

Từ kinh nghiệm đó, trong chiến lược trọng tâm năm 2014, PCU yêu cầu các công trình phải đảm bảo tỷ lệ đóng góp của người dân, vốn đối ứng của Nhà nước và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD). Đặc biệt chú ý nâng cao năng lực cho Ban Phát triển xã từ việc thẩm định, phê duyệt đến triển khai các thủ tục đầu tư để làm quen với các thủ tục đấu thầu cạnh tranh và mạnh dạn áp dụng phương pháp đấu thầu cộng đồng đối với các công trình xây dựng hạ tầng nông thôn. Theo kế hoạch thực hiện tiểu hợp phần CDF đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn năm nay, dự án tiếp tục thực hiện 76 công trình, trong đó có 1 công trình điện, 2 công trình cầu, 25 công trình giao thông nông thôn, 13 công trình thủy lợi, 4 chợ và điểm thu mua nông sản, 31 sân phơi với tổng nguồn vốn dự kiếngần 38,4 tỷ đồng. Đến nay, PCU đã phối hợp cùng các đơn vị dự án cấp huyện, xã thực hiện rà soát và phân loại các công trình sẽ triển khai theo thiết kế mẫu thuộc chương trình nông thôn mới để giảm tối đa thủ tục, thời gian và kinh phí thực hiện. Cụ thể có 40 công trình thực hiện theo thiết kế mẫu nông thôn mới và 36 công trình sẽ thuê tư vấn thiết kế. Đồng thời PCU cũng đã có văn bản thống nhất với các địa phương phương thức lựa chọn hình thức thực hiện các công trình hạ tầng.

Theo đó, PCU, các DASU tập trung vào hướng dẫn tổ chức thực hiện, quản lý CDF ở từng cấp. Hiện các địa phương đang tập trung triển khai các bước tiếp theo, đề ra các giải pháp tập trung thực hiện. Trước hết là triển khai nhanh các hạng mục đầu tư được phê duyệt trong năm nay để thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình phục vụ chuỗi giá trị, khuyến khích người nghèo tham gia vào tổ nhóm cùng sở thích.