Đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp

(NTO) Đến nay, toàn tỉnh có gần 2000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, nhưng đa phần là DN vừa và nhỏ vì vậy sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Để vượt qua “sóng gió” suy giảm kinh tế cùng với tinh thần phát huy nội lực cộng đồng các DN rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn:

Trong 8 tháng qua, tỉnh ta có 174 DN được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 678 tỷ đồng, tăng 9,3% DN và 10% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái; bên cạnh đó có 24/115 DN tạm dừng hoạt động cuối năm 2013 đã đăng ký hoạt động trở lại, nâng tổng số hoạt động trên địa bàn 1.972 DN. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chức năng, trong năm 2013 ở tỉnh ta có đến 46% DN (trong tổng số 1.386 DN) có báo cáo tài chính hoạt động kinh doanh thua lỗ 125 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Từ những con số trên cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong tỉnh vẫn chưa hết khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.

 
Công nhân Công ty May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: Thanh Long

Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp do UBND tỉnh vừa tổ chức với trên 100 DN tham dự. Tại Hội nghị cộng đồng DN trong tỉnh rất cần sự chia sẻ, tháo gỡ khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Anh, cho biết: Hiện nay, các DN kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất. DN lấy hợp đồng thuê đất để xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống làm tài sản thế chấp nhưng bị từ chối với lý do thời hạn cho thuê đất không ổn định (5 năm). Ông Nguyễn Phi Chiến, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Thành Đông bày tỏ: Trong thời gian qua, DN được UBND tỉnh tạo rất nhiều thuận lợi để thực hiện các dự án, nhất là thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, vướng của công ty hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng khu Đô thị K1 kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai dự án. Ông Trương Trọng Nghĩa, Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa, phát biểu: Vĩnh Hy là khu du lịch trọng điểm của tỉnh nhưng hiện nay hạ tầng cho phát triển lĩnh vực này còn hạn chế. Nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt khan hiếm; nguồn điện chiếu sáng không ổn định ảnh hưởng rất nhiều cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị du lịch.

Sát cánh cùng doanh nghiệp:

Tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp, sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của các DN, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với DN bằng các việc làm cụ thể trong lĩnh vực được giao quản lý. Theo đó tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đầu tư cho DN, nhất là khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường thuế. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước cho DN, nhà đầu tư. Duy trì hoạt động có hiệu quả Tổ hỗ trợ DN ở các ngành, địa phương; tăng cường đối thoại giữa các cấp quan chính quyền và DN để kịp thời xử lý hoặc tham mưu xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động. Tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương để hỗ trợ DN về khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ thông tin cho DN, nhất là thông tin về thị trường, giá cả.

Tại hội nghị, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã thể hiện rõ trách nhiệm đồng hành cùng các DN vượt khó. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Sở đã thành lập Tổ hỗ trợ DN và đang hoạt động rất hiệu quả. Mọi thắc mắc của các DN liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý đều được tổ tiếp nhận tham mưu cho lãnh đạo hướng giải quyết. Hiện nay, trong Website của Sở có đăng tải tất cả các thông tin liên quan đến luật định về đất đai, tài nguyên&môi trường, vì vậy các DN có nhu cầu thì tiếp cận rất dễ dàng. Các DN có thể gửi các ý kiến, kiến nghị của mình qua hộp thư điện tử về Sở để được giải quyết. Trong trường hợp giải đáp chưa thỏa đáng DN có thể gặp trực tiếp lãnh đạo sở.

Về tiếp cận nguồn vốn vay, ông Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trao đổi: Hiện nay, nguồn vốn của ngân hàng rất dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà. Để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng cả năm của ngành là 18-20%, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung đầu tư tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, thực hiện Chương trình “Kết nối ngân hàng với DN” tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Những DN nào gặp khó khăn khi vay vốn ở các ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận hồ sơ để hỗ trợ giải quyết.

Với các giải pháp đồng bộ của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong tháo gỡ các vướng mắc sẽ là động lực, tiếp sức để các DN tiếp tục vượt qua thời điểm khó khăn vươn lên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.