Trí thức trẻ góp phần phát triển kinh tế-xã hội Bác Ái

(NTO) Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, song song với việc thực hiện các chính sách đầu tư, xây dựng, hỗ trợ sản xuất cho người dân… huyện Bác Ái còn thực hiện chính sách, ưu đãi khuyến khích, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác 30a tại các xã, góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Vượt khó, phát huy vai trò của trí thức trẻ

Là một trong những trí thức trẻ đăng ký về tham gia công tác tại huyện miền núi Bác Ái trong đợt tuyển dụng đầu tiên từ năm 2010, kỹ sư nông nghiệp Nại Thành An, tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, quê ở xã Phước Hữu (Ninh Phước) được bố trí về công tác tại xã Phước Thành.

Hồ Thị Thu Thủy hướng dẫn người dân xã Phước Tiến đăng ký, kê khai hộ khẩu.

Qua hơn 4 năm gắn bó cùng bà con miền núi, với nhiệm vụ là cán bộ nông nghiệp, anh đã vận dụng những kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp được học hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc Raglai áp dụng vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, cải thiện cuộc sống. Để nâng cao trách nhiệm, mỗi khi có các mô hình, hay vào mùa vụ sản xuất mới, kỹ sư An luôn cùng nhân dân lội ruộng, bám đồng, trực tiếp hướng dẫn cho người dân từ cách cày ải, làm đất, gieo lúa, bón phân, phun thuốc cho đến khâu thu hoạch. Từ sự hướng dẫn tận tình của kỹ sư An, không ít bà con ở các thôn trên địa bàn xã Phước Thành đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hiệu quả cây trồng ngày một ổn định và tăng cao. Anh cho biết: Lúc đầu mới về nhận công tác cũng cảm thấy khó khăn, vất vả, bởi xa nhà, điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn thiếu thốn, mặt khác cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhận thức còn thấp nên anh em trong Tổ 30a phải luôn bám sát bà con, cầm tay chỉ việc mới mong từng bước thay đổi để vươn lên. Cũng như kỹ sư nông nghiệp Nại Thành An, trí thức trẻ Hồ Thị Thu Thủy, ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh được bố trí về hỗ trợ công tác tư pháp, quản lý hành chính công an tại xã Phước Tiến cho biết: Những ngày đầu tiên về nhận công tác cũng gặp rất nhiều khó khăn, một phần do ngôn ngữ, mặt khác nhận thức của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế trong việc đăng ký hộ khẩu, làm giấy chứng minh nhân dân nên nhiều khi phải hướng dẫn rất lâu mới làm xong một hồ sơ cho bà con. Tuy nhiên, qua một thời gian làm quen và tìm hiểu biết được khó khăn của bà con, mình luôn cố gắng hoàn thành sớm nhất các công việc được giao, không để người dân chờ đợi lâu trong các thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 30a huyện Bác Ái, trong gia đoạn từ năm 2009 – 2013, thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ theo Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ, ngoài việc tiếp nhận bố trí 8 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã theo Đề án 600 cán bộ của Chính Phủ, địa phương cũng đã tiếp nhận và bố trí 55 trí thức trẻ về công tác tại 9/9 xã của huyện, đến cuối năm 2013 còn lại 32 em, với trình độ từ cao đẳng chuyên ngành trở lên. Trong số này, đã có 10 em được tuyển dụng chính thức vào công chức xã.

… Còn đó những băn khoăn

Cũng như Nại Thành An và Hồ Thị Thu Thủy, trí thức trẻ Phan Thị Thuần (sinh năm 1988) quê ở Nghệ An, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, được tuyển dụng bố trí về công tác tại xã Phước Thắng từ năm 2012 và được phân công hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Qua hơn 2 năm gắn bó với người dân xã Phước Thắng, bằng những kiến thức đã học và được cọ sát với thực tiễn, Phan Thị Thuần cũng từng bước phát huy được vai trò của một trí thức trẻ trong việc hỗ trợ tổ nông nghiệp của xã thành lập các kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương hằng năm; trực tiếp phụ trách giúp đỡ các tổ, nhóm chăn nuôi, trồng trọt ở các thôn lập kế hoạch phát triển; tham gia công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành tại cơ sở của xã. Năm vừa qua, Thuần được UBND xã Phước Thắng tuyên dương là cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc hỗ trợ công tác 30a tại địa phương. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi Thuần cho biết, mong muốn lớn nhất của mình là sau khi có những đóng góp nhất định cho địa phương thì khi Chương trình 30a kết thúc sẽ được bố trí một công việc ổn định, vì khi hết hợp đồng với Chương trình 30a của địa phương, nếu không được tuyển vào công chức xã thì cũng chưa biết sẽ làm gì hoặc sẽ phải đi xin việc lại ở một nơi khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số khó khăn về điều kiện ăn, ở thì trăn trở của trí thức trẻ Phan Thị Thuần cũng chính là nỗi niềm của nhiều trí thức trẻ khác đang công tác, cống hiến cho các xã miền núi Bác Ái.

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Phó trưởng Ban chỉ đạo NQ30a huyện Bác Ái cho biết, ông rất đồng tình với nỗi niềm của các em. “Ban chỉ đạo NQ 30a của huyện cũng đang băn khoăn về điều này, một số em đã được tuyển dụng vào công chức xã chính thức nên đã yên tâm công tác, phần lớn các em còn lại vẫn đang hợp đồng. Đúng là thời gian tới khi Chương trình 30a kết thúc việc bố trí cho các em một công việc ổn định sẽ là một bài toán. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những kiến nghị lên cấp trên có hướng bố trí kịp thời, để các em yên tâm công tác.

Thiết nghĩ, những băn khoăn nói trên rất mong được các ngành chức năng, liên quan xem xét để có giải pháp hợp lý, hợp tình, tiếp tục động viên các trí thức trẻ cống hiến xây dựng các xã miền núi.