Những nẻo đường trăng

(NTO) 1. Trăng theo tôi. Từ quê ra phố, thắm thoắt mà đã hơn nửa đời người. Bạn cười, đâu có ai thở dài cho phép cộng tháng năm. Vậy ư, mới đó mà đã…Trăng cứ mãi là trăng. Thánh thiện, trong sáng , hồn nhiên và chưa biết buồn.

Buồn làm sao được khi trăng bao giờ cũng chỉ mới lên năm, lên bảy nên hãy còn non tơ lắm, gần gũi lắm với tuổi thơ. Tuổi thơ tôi, tuổi thơ bạn và sẽ còn rất nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam sẽ nuôi dưỡng mãi mãi hình ảnh ánh trăng quê nhà trong miên man ký ức: Ký ức trăng. Viên mãn, bình yên và vô tư lự!

Ảnh minh họa.

2. Làng quê, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời bây giờ là ngoại ô thành phố. Vậy mà trong tiềm thức bé thơ nó trở nên xa xăm lắm, thần tiên và hoang dã bởi trí tưởng tượng có cánh của lũ con nít nhà quê. Tháng Tám âm lịch, đồng quê đang mùa gặt. Đường làng thơm thơm mùi thóc và rơm mới. Những cây rơm cao to bề thế đứng ngất ngưỡng sau những hàng cau hay hàng dừa, bụi chuối hoặc bên những chuồng trâu, chuồng bò chuẩn bị cho những ngày đông rét mướt và nhiều mưa gió. Trăng cũng hiện ra từ đó, sau những mái tranh, tàu cau hay cây rơm chái bếp. Từ đầu tháng Tám âm, không chỉ bọn con nít mà người lớn cũng nôn nao: Chuẩn bị đón Trung thu. Bắt đầu những ngày ấy, con đường chạy từ ngã ba làng lên ngôi đình làng như quang đãng hơn, nhiều hương đồng và lồng lộng gió, những cơn gió nam cuối mùa đã se se cùng những những sợi gió heo may dắt díu mùa thu trở về.

Ông ngoại tôi lựa những cây tre đực thật già, chẻ làm nan thân lồng đèn, đợi bà đi chợ Dinh về mua cho mấy tờ giấy bóng kính là phết dán lên những khung hình ngôi sao, con bướm, quả bí,… Ôi chao những đêm tháng Tám ấy, cả cái xóm nhỏ của tôi tràn ngập ánh trăng. Trên những nẻo đường trăng vang vang tiếng cười trẻ thơ, ánh nến chập chùng từ những chiếc lồng đèn nhà quê cùng lời hát rộn ràng từ sân đình: “Bóng trăng trắng ngà/ có cây đa to/ có thằng cuội già/ ôm một mối mơ…”. Tiếng cười ấy, lời hát ấy, ánh nến từ những chiếc lồng đèn cùng những món quà quê là cây trái vườn nhà chắp cánh cho tuổi thần tiên của bọn con nít chúng tôi cùng ánh trăng trung thu bay vào những giấc mơ. Những giấc mơ hiền ngoan giữa một làng quê thanh bình mãi mãi là ký ức đẹp của một đời người!

3. Rồi trăng theo tôi rời xa quê nhà. Thuở sinh viên, có những đêm Trung thu nằm trong ký túc túc xá giữa một thành phố xa lạ mà miên man nhớ về những nẻo đường trăng xa ngái. Nỗi nhớ thật giản đơn và gần gũi. Hóa ra ký ức chẳng phải xa xôi, nó quanh quẩn giữa đời sống của mỗi người. Tôi nhớ chén chè khoai sáp nấu gạo nếp và miếng bánh in thơm tho mùi nếp rang trộn mè của mẹ. Và nữa, những vắt cốm bắp rang trộn đường mật, những miếng kẹo đậu phộng dẻo đường, bùi đậu, thơm chanh của bà Ba hàng xóm. Rồi, những trái cây tươi ngon của vườn quê. Một nỗi thèm khát cứ dậy lên trong lòng. Có thể gọi tên là nỗi nhớ Trung thu?

Và rồi, Trung thu của các con tôi giữa phố phường, những chiếc đèn lồng ông sao, con bướm, quả bí,… làm bằng nan tre phết giấy bóng kính phần nhiều đã được thay bằng những chiếc đèn lồng chạy pin có cài thêm nhạc, đèn xanh đỏ nhấp nháy trông hiện đại và tiện dụng hơn. Rồi trẻ con phố thị cũng dần dần mất cảm hứng với những trò đón trăng kiểu “rồng rắn lên mây” và nhân vật chính của Trung thu là ánh trăng cũng nhạt nhòa giữa bao la ánh điện.

Câu chuyện Trung thu nhà quê của tôi giờ đã trở nên lỗi thời khi các con tôi đã lớn. Chỉ riêng Trung thu năm này trăng vẫn cứ lên năm, lên bảy như những ngày xưa.