Núi Chà Bang - Huyền thoại nữ tu và lễ cúng Po Nai

(NTO) Trong những đêm đám tang người Chăm Bàlamôn hay lễ Rija Praong trước đây, khi về khuya, các cụ già trong làng thường kể chuyện cổ tích cho mọi người nghe nhất là đám trẻ con. Có những câu chuyện kể thâu đêm suốt sáng. Trong đó có câu chuyện Nai TangYa Bia Tapah (Bà đi tu TangYa).

Chuyện kể rằng Nai TangYa có 3 chị em. Bà là chị lớn nhất, rồi kế đến là Nai Lilăng tapan Mưh (cô dì đẹp trám vàng), là vợ của Po Klaong Can) được thờ ở Bàu Trúc trong đền thờ Po Klaong Can. Còn người em nhỏ là Nai Mưh khan tang Nưkar (cô Vàng) đi tu một nơi xa xứ (xưa tu ở Đơn Dương sau người dân Như Bình rước về thờ ở làng Như Bình (trong đền thờ này hiện thờ hai bà nhưng khi cúng đọc tên chỉ một bà).

Núi Chà Bang thuộc địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

Theo truyền thuyết, Nai TangYa thuộc dòng dõi hoàng tộc của xứ Panrang được cha mẹ cưới gã cho một người chồng tên là Kamao. Trước ngày cưới, Kamao đến ở rễ bên vợ. Một hôm, Nai TangYa phát hiện chồng mình không phải là người Chăm, không cùng đẳng cấp với mình. Buồn lòng cô bỏ nhà ra đi không nói với ai và đi đến núi Chà Bang lên tới đỉnh núi ẩn tu ở đó, quyết tâm không lấy chồng.

Người chồng đi tìm khắp nơi, một hôm đến Play Răm (làng Văn Lâm) hỏi người dân ở đó thì người ta nói có thấy một người con gái đi về hướng núi. Kamao tức giận và đau khổ, liền dùng cung tên bắn lên đỉnh núi làm tan một hòn đá ở đó, một hòn còn lại bên cạnh hiện nay vẫn còn nguyên, cao sừng sững như ngọn tháp. Phía dưới hòn đá bị bắn tan hiện nay là một hố sâu, rộng có thể chứa hàng chục người. Trong khi đó khoảng cách giữa hai hòn đá chỉ khoảng chưa đến 1m, muốn vào hang phải lách nghiêng người mới vào được. Nhìn từ xa, thấy rõ hai hòn đá nhưng lên đến nơi ta có thể thấy có nhiều hòn đá nhỏ khác.

Núi Chà Bang (còn được gọi là Trà Cang) hiện nay thuộc địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20km về hướng Nam, cách Quốc lộ IA 3km về hướng Đông. Tên gọi Núi Chà Bang xuất phát từ tiếng Chăm là Chơk Chabang có nghĩa là núi có hai hòn đá hình cái ná. Núi có địa hình dốc, cao, khó đi, ít cây, đa số là cây thấp, đá nhiều (thuộc loại hình núi đá).

Dưới chân núi, tọa lạc một ngôi chùa gọi là Chùa Chà Bang (hay Chùa Trà Cang) người dân còn gọi là Chùa Thầy Hai có thờ con Bạch Hổ. Khi đi lên núi cúng Bà người ta thường đi vào buổi chiều, đến chân núi thì dừng chân nghỉ lại đêm tại chùa, sáng hôm sau mới lên núi.

Người Chăm trong vùng rất kính trọng và tin vào sự linh hiển của Po Nai. Hiện nay, hàng năm, vào tháng giêng lịch Chăm (khoảng tháng 4 dương lịch), người Chăm các nơi lên tận đây để cúng Bà (trước chỉ cúng ở đầu làng). Từ những năm 80, người Chăm Bàni làng Văn Lâm lên cúng Bà thì chức sắc Thầy Car (Bàni) vào hang làm lễ Thánh tẩy trước (có một hòn đá tượng trưng cho Bà). Còn đối với người Chăm Bàlamôn khi lên cúng thì Ong Ka-Ing và Ong Mâduen chỉ cúng tại địa điểm có đặt một Linga bằng đá thường được gọi là Linga Po Nai. Linga cao khoảng 60cm bằng đá sa thạch không biết có từ bao giờ. Gần với với hòn đá lớn là một hòn đá bàn tự nhiên, người ta xây một cái bệ đặt Linga trên đó và làm một mái che sơ sài. Khu vực cúng nhỏ, hẹp. Người Chăm Bàni sau khi làm lễ Thánh tẩy xong thì ra ngoài cũng cúng như người Chăm Bàlamôn.

Lễ vật cúng Po Nai gồm hoa quả, chè, chuối, trầu cau, hạt nổ. Ong Mâduen lấy một khăn đỏ mới trùm lên trên Linga, lấy dây rừng cột khăn lại rồi làm nghi thức lễ Mộc dục (tắm tượng) xong mới bày lễ vật ra cúng. Cuộc lễ cúng kéo dài khoảng hơn hai giờ và không chỉ cúng một mình Bà mà còn cầu cúng nhiều vị thần theo phong tục của người Chăm. Trống Paranâng, Ginăng, kèn Saranai, Cheng, Lục lạc vang một góc trời. Lễ cúng giống như lễ Rija Harei nhưng ở đây chỉ cúng chay.

Trong lễ cúng, Ong Ka-Ing múa dâng cúng các vị thần. Khi múa đến Ngài Po Nai thì Ong Ka-Ing choàng thêm một áo trắng ra ngoài áo đỏ, trùm một khăn Bàni rồi múa, đến đoạn dâng mâm trái cây lên cho Bà xong thì Ong Ka-Ing “lên đồng” cầu xin mưa. Thường Bà sẽ nói: “Hôm nay con cháu lên cúng rất đông, Bà rất vui”. Ong Ka-Ing hỏi: “Năm nay con cháu làm ăn ra sao, có khá không?”. Bà trả lời: “Con cháu cứ làm ăn vui vẻ. Bà sẽ cho mưa xuống cày bừa làm ra lúa gạo. Năm sau lại lên đông vui nữa”. Kết thúc lễ, mọi người ra về vui vẻ, phấn chấn, tin tưởng một năm mới yên bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Và theo họ thì thường khi về Bà liền cho mưa.

Đồng bào Chăm đi cúng Pô Nai tại núi Chà Bang.

Lễ cúng Po Nai tưởng nhớ một vị nữ tu được dân gian thần hóa theo truyền thuyết. Có nhiều lý giải suy đoán khác nữa về Bà cũng như việc bà đi tu. Nhưng qua lễ cúng thể hiện sự tôn sùng tín ngưỡng thờ Mẫu và mong ước muôn thuở của cư dân nông nghiệp lúa nước nhất là trong vùng khô hạn, thiếu mưa thừa nắng như ở đây. Mong ước đó chính là sự phù hộ để được nhiều thuận lợi trong làm mùa vụ cho nhân dân được no đủ. Người già thường nhắc nhở khi đi cúng Bà phải thành tâm, không được bất kính cười nói ồn ào, ăn nói thô tục, tránh nói những điều xấu, xui xẻo, lỡ có bị té không được kêu đau mà phải nói là “sướng”.

Người Chăm có câu: Naw yauw athau pataw yaw atheh (đi như chó, nhảy như ngựa) để điễn tả cảnh leo núi theo đường mòn nhiều đá khó khăn và câu: Naw tal chơk wơk tal sang (đi đến nơi về đến chốn) ngụ ý cầu mong mọi suôn sẻ, bình yên trên đường cúng Bà về, cũng là mở đầu cho sự suôn sẻ, thuận lợi cả năm.