Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8

Chiều 28-8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành.

Tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết ngoài việc xem xét, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm như thông lệ, lần này Chính phủ cũng bàn công việc tháng 9, dự ước cho tháng 9, hướng các tháng còn lại của năm 2014 và kế hoạch năm 2015 để chuẩn bị báo cáo Trung ương và Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ
thường kỳ tháng 8/2014 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bức tranh chung về kinh tế-xã hội có những dấu hiệu khả quan. Cụ thể, kinh tế trên đà phục hồi đồng đều, có mặt tăng trưởng cao. Đến giờ này, GDP tăng 5,54%, con số này cho thấy nếu chúng ta quyết tâm thì cả năm có thể đạt con số đề ra là 5,8%.

Lĩnh vực chế biến-chế tạo đang đà phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, nhất là thủy sản gặt hái được những thành công đáng mừng. Dịch vụ phục hồi khá nhanh.

Về kiểm soát các mặt kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp. Đồng tiền ổn định. Dự trữ ngoại tệ cao. Xuất khẩu đến giờ này duy trì tốc độ tăng trưởng tuy không cao nhưng vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD. Đáng chú ý, từ trước đến giờ, xuất khẩu ở khu vực FDI góp phần lớn, nhưng từ cuối năm 2013, khu vực trong nước đã có đóng góp cho xuất khẩu với mức tăng trưởng 11%.

Giải ngân ODA so với cùng kỳ tăng 41%, tức trên 3 tỷ USD, có lẽ là tỷ lệ cao nhất từ trước đến giờ. Hiện đang lo vốn đối ứng cho giải ngân ODA, riêng giao thông cần trên dưới 8 nghìn tỷ nhưng đáp ứng khoảng hơn 20%.

Nhập khẩu có tăng nhưng chủ yếu là máy móc và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu cho tiêu dùng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có sự quản lý chặt chẽ về nhập khẩu.

Thống kê đến tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 47.500 và cũng có khoảng 40.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,5% nhưng tín hiệu mừng là số vốn đăng ký, bình quân 1 doanh nghiệp tăng khoảng 6 tỷ, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư tăng nên họ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư lớn, mở rộng sản xuất. Theo các cơ quan nghiên cứu, tại một số nước, trong số doanh nghiệp thành lập mới, sau vài năm thành lập, con số đi vào hoạt động ổn định khoảng 60-65%, tỷ lệ này ở Việt Nam khoảng trên dưới 70%. Đến giờ này, cũng có khoảng 10.000 doanh nghiệp trước đây tuyên bố đóng cửa nay hoạt động trở lại.

Chúng ta có nhiều nỗ lực giải quyết tốt an sinh xã hội, trong đó tập trung cho người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tai nạn giao thông kéo giảm 3 tiêu chí: Tính số tròn, số vụ tai nạn kéo giảm khoảng 14%, số người bị thương giảm 15%, số người chết giảm hơn 4%.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô dù có quản lý, kiểm soát nhưng tính bền vững chưa thật cao, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng còn thấp... Tổng cầu chưa có chuyển biến khả quan, tình hình trật tự xã hội có mặt chưa làm chúng ta yên tâm.

Từ những đánh giá này, Chính phủ họp đã thống nhất quyết tâm trong 4 tháng còn lại, bằng những giải pháp đồng bộ đã đề ra từ đầu năm, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu, tăng trưởng tín dụng bằng nhiều biện pháp.

Vấn đề cần tập trung thứ hai cũng đang làm những tháng qua là tái cơ cấu. Lĩnh vực này chúng ta có nỗ lực rất lớn nhưng trong giai đoạn này cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng bằng các giải pháp đồng bộ để góp phần đạt tăng trưởng. Cuối năm nay, trong số 14 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt 12.

Trong phần hỏi đáp, phóng viên Thế Dũng (báo Người Lao động) nêu lên những “lùm xùm” liên quan đến tuyển dụng công chức tại Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng như hiện tượng một Phó Phòng Quản lý xuất nhập khẩu ở Hải Phòng thuộc Cục quản lý xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bị phát hiện đang nhận tiền lót tay của doanh nghiệp. Phóng viên đặt câu hỏi quan điểm của Chính phủ về việc tuyển dụng công chức nói chung và đối với vấn đề xử lý của Bộ Công Thương như thế nào.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói: Những ngày qua, trên diễn đàn thông tin đại chúng, chúng ta đã nghe phản ánh rất nhiều thông tin mà bạn vừa nói. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là trong tháng 9. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo và làm việc với các cơ quan chức năng, tập trung làm rõ những vấn đề có liên quan tới Bộ mình. Chiều nay, Bộ Nội vụ cũng công bố một quyết định thanh tra công chức về việc này tại Bộ Công Thương. Vấn đề này nói lên mấy điều. Thứ nhất quan điểm của Chính phủ cũng như tất cả chúng ta là đối với lĩnh vực cán bộ công chức, tuyển dụng, quản lý, thi cử phải công khai minh bạch. Phải đảm bảo không có tiêu cực. Những hiện tượng xuất hiện gần đây ở một số địa phương trong cả nước, theo phân cấp quản lý cán bộ, cấp nào quản lý cán bộ có vấn đề gì xảy ra cấp đó phải có trách nhiệm làm rõ, xử lý nghiêm minh. Riêng sự việc này, đến giờ này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo như thế. Còn cụ thể như thế nào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải sẽ báo cáo rõ thêm.

Thái Thanh (Ban Thời sự VTV): Xin hỏi đại diện Bộ LĐTBXH, báo chí đưa tin các nhà thầu Trung Quốc sẽ tuyển 10.000 lao động từ Trung Quốc sang trong khi lao động ở nước ta đang thiếu việc làm, ít nhất là lao động từ Libya trở về. Bộ có nắm được trong số 10.000 lao động này, có những ngành nghề gì mà họ không thể tuyển lao động ở Việt Nam? Mấy năm tới chúng ta phát triển nhiều khu công nghiệp, đặc khu kinh tế… liệu tình trạng này có thể khắc phục được không bởi vì cử nhân, lao động phổ thông đang rất thiếu việc làm? Xin Bộ đánh giá về thực trạng này!

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm: Theo chúng tôi nắm được đến ngày 21/8, tại Vũng Áng có 33.952 lao động đang làm việc, trong đó lao động Việt Nam là 30.438 người, lao động nước ngoài là 3.514 người bao gồm 1.913 lao động Trung Quốc, còn lại là đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong dự án Formosa, tổng số lao động gần 27.000 người, trong đó lao động trong nước là trên 23.700 người, còn lại 3.212 lao động nước ngoài, gồm 1.799 lao động Trung Quốc.

Hiện nay, có thông tin nói 10.000 lao động Trung Quốc chuẩn bị sang làm việc ở dự án Formosa. Thực tế, nhu cầu 10.000 lao động là số kế hoạch dự kiến đề nghị xin tuyển của 29 nhà thầu theo tiến độ xây lắp công trình. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét yêu cầu tuyển lao động nước ngoài của nhà thầu theo từng thời điểm, theo tiến độ yêu cầu nhà thầu. Đến ngày 27/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới chấp thuận 2.063 chỉ tiêu. Các nhà thầu đang đề xuất thêm 2.700 chỉ tiêu mới trong thời gian tới nhưng chưa được chấp thuận.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, dự báo thời điểm thực hiện tiến độ công trình ở Vũng Áng thì trong quý IV/2014 và quý I/2015 các nhà thầu cần 4-4,5 vạn lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài. Như vậy con số lao động không phải là 10.000 và con số hàng vạn lao động Trung Quốc không phải là con số xác thực trong vấn đề lao động nước ngoài.

Về trách nhiệm quản lý, chúng ta đã có đầy đủ văn bản giao trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền duyệt cấp phép cho từng nhà thầu, từng dự án sử dụng lao động nước ngoài.

Từng bước chúng ta kiểm soát được lao động nước ngoài theo quy định vào làm việc cho nhà thầu. Việc cấp phép thỏa thuận, cam kết, phân định trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài, chia sẻ thông tin, báo cáo tình hình và cập nhật giữa Ban quản lý và cơ quan cấp phép được thực hiện chặt chẽ.

Trong tổng số 3.514 lao động nước ngoài đang làm việc thì có 1.913 lao động Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng, trong đó 1.799 người đã được cấp phép, số còn lại đang làm thủ tục tiếp.

Nguồn www.chinhphu.vn