BAN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hiệu quả nuôi cừu vỗ béo ở Khánh Nhơn

(NTO) Thuộc vùng đồng bằng ven biển, là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Hải, Nhơn Hải có tổng diện tích tự nhiên gần 3.100 ha, trong đó có khoảng 1.200 ha đất nông nghiệp nhưng đất thực canh chỉ có 400 ha. Do đặc điểm trên, bên cạnh trồng trọt, Nhơn Hải còn chú trọng đầu tư chăn nuôi với quy mô tổng đàn gia súc có sừng lên đến trên 11.200 con, trong đó có 1.800 con bò, trên 4.200 con dê và trên 5.200 con cừu.

Từ điều kiện địa hình tự nhiên phù hợp, chăn nuôi được coi là thế mạnh của Nhơn Hải và là một trong những chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo được Ban Phát triển xã lựa chọn, xác định. Anh Nguyễn Duy Đông, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Nhơn Hải cho biết: “Triển khai từ cuối tháng 8 năm ngoái, tổ chỉ đạo thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông của Hội ND tỉnh đã thành lập 1 nhóm cùng sở thích nuôi cừu gồm 7 thành viên tại thôn Khánh Nhơn thực hiện mô hình nuôi vỗ béo. Sau thời gian nuôi, mô hình đạt hiệu quả thấy rõ, nếu tính theo giá thị trường đã cho thu nhập bình quân mỗi hộ 18-20 triệu đồng”.

Phát triển nuôi cừu ở thôn Khánh Nhơn 1.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân thành viên trong tổ được chuyển giao cừu giống (mỗi hộ 6 con), trong lượng bình quân mỗi con giống 10-15 kg, khi cừu nuôi đạt trọng lượng từ 22 kg trở lên được xuất chuồng bán thịt. Ngoài ra, tổ chỉ đạo thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông của Hội ND tỉnh còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu và vật liệu cho các hộ trong tổ nhóm nuôi cừu ở thôn Khánh Nhơn làm chuồng nuôi. Trong quá trình nuôi, Hội ND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật nuôi an toàn, bền vững.

Theo anh Trần Đồng Quý, cán bộ Văn phòng UBND xã, Thường trực Ban phát triển xã Nhơn Hải, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc có sừng nói chung và nuôi cừu nói riêng, Nhơn Hải khá thuận lợi vì có đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đặc biệt hầu hết người nuôi đều là nông dân có đất trồng trọt, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có như lá nho, táo và lá các cây hoa màu khác. Ông Trần Văn Trung, một người nuôi cừu có nhiều kinh nghiệm ở thôn Khánh Nhơn 2 chia sẻ: “Cừu ở đây thường chăn thả trên các đồng cỏ xa, nhưng để cung cấp thức ăn cho chúng, người ta trồng thêm cỏ. Nói chung cừu rất dễ nuôi vì chúng ít mắc bệnh, lại có thể ăn bất kể cây lá gì không độc”. Khánh Nhơn ngày trước giờ tách ra thành 2 thôn là Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2 và đều có điểm chung là nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi, phần lớn đàn cừu nuôi của Nhơn Hải tập trung tại đây. Không chỉ cừu, ở 2 thôn này còn có 2 nhóm cùng sở thích nuôi bò và 1 nhóm cùng sở thích nuôi dê. Anh Lưu Bình, Trưởng thôn Khánh Nhơn 1 cho hay: “Vừa qua, 2 nhóm chăn nuôi bò đã nhận mỗi nhóm 2 con bò do DASU huyện mua giống cung cấp, theo các hộ, bò nuôi đang tăng trưởng tốt”.

Chăn nuôi nói chung đã tạo cơ hội cho người dân 2 thôn Khánh Nhơn thoát nghèo bền vững. Thường các hộ trong các nhóm cùng sở thích hay nuôi kết hợp bò và cừu, song qua thực tế phát triển đã chứng minh cừu vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có để nuôi. Theo anh Nguyễn Duy Đông, từ kết quả mô hình, Dự án hỗ trợ Tam nông của Hội ND tỉnh đang triển khai dự án trồng táo kết hợp chăn nuôi cừu vỗ béo cho 55 hộ dân xã Nhơn Hải với kinh phí 450 triệu đồng, trước mắt đã có 15 hộ hưởng lợi. Với hỗ trợ trên, người nuôi cừu trong và ngoài tổ nhóm ở 2 thôn Khánh Nhơn tiếp tục sản xuất theo xu hướng liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo dựng giá trị kinh tế bền vững và lâu dài.