Vấn đề hôm nay:

Đừng để nước đến chân mới… nhảy

Xuất hiện từ năm 2003 và rải rác đến nay, có thể nói “đại dịch” cúm gia cầm chủng A/H5N1 đã hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước, không những gây thiệt hại về kinh tế đối với người nuôi, nhất là đối với gà, vịt mà còn là hiểm họa đối với sức khỏe con người do độc tính của chủng virus này cao và lây sang người với mức độ tử vong có lúc là 100%.

Gần đây, lại xuất hiện thêm chủng virus cúm gia cầm A/H5N6 và theo ghi nhận đến nay cả nước đã xảy ra ổ dịch tại 2 tỉnh Lào Cai và Nghệ An. Theo các chuyên gia, virus cúm này có động lực cao không kém chủng virus cúm A/H5N1 như đã nói trên, điều cũng rất đáng lo ngại là lây sang người. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Trung Quốc đã ghi nhận có ca tử vong đầu tiên do nhiễm virus cúm A/H5N6 tại tỉnh Tứ Xuyên. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên trên thế giới.

Cán bộ Trạm Thú y huyện Ninh Sơn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm ở xã Lương Sơn.
Ảnh: Nguyễn Sơn

Đối với tỉnh ta, từ đầu năm đến nay tuy đã có xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm (A/H5N1) trên địa bàn Ninh Phước và Ninh Sơn (xảy ra vào đầu tháng 2-2014) nhưng nhờ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và ngành chức năng từ việc khoanh vùng dập dịch kịp thời đến triển khai các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nên không những đã khống chế được dịch, mà còn giữ ổn định cho đến nay chưa phát hiện có phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan, bởi lẽ chỉ tính đến đầu tháng 7-2014 đàn gia cầm trong tỉnh đã có trên 1,65 triệu con gà, tăng 36,7% và đàn vịt có gần 700.000 con, tăng 21,3% so cùng kỳ. Điều đáng quan tâm là vụ hè-thu năm nay đã và đang được các nông hộ thu hoạch rộ tại nhiều địa phương trong tỉnh “kéo theo” đàn vịt nuôi “chạy đồng” nên rất dễ lây lan dịch bệnh nếu để xảy ra. Mặt khác, tình trạng giết mổ gia cầm được bày bán tại các chợ, nhất là các “chợ cóc” tự phát dường như ngoài tầm kiểm soát về thú y của cơ quan chức năng… cho nên, có thể nói đây cũng là “điểm xuất phát” mầm bệnh lây lan không chỉ với chủng “cũ” cúm A/H5N1, mà còn cả chủng cúm mới A/H5N6. Do vậy, để chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm xâm nhập cũng như có thể tái phát, lây nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế người nuôi, đặc biệt là ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng, yêu cầu đặt ra hiện nay là tỉnh cần chỉ đạo tập trung quyết liệt việc tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch từ địa phương này sang địa phương khác cũng như tỉnh ngoài vận chuyển, tiêu thụ tại tỉnh ta. Mặt khác, ngay tại các địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Đối với người dân không gì khác hơn là luôn thực hiện tốt phương châm phòng bệnh, đó là kiên quyết không tiếp xúc với gia cầm ốm, chết, thường xuyên vệ sinh cá nhân và nơi sinh sống; làm người tiêu dùng “thông thái” chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, nấu chín, kỹ...

Mong rằng, để phòng chống bệnh hữu hiệu không chỉ có trách nhiệm của ngành, cơ quan chức năng mà còn có cả ý thức hợp tác của người dân cả trong chăn nuôi và tiêu dùng. Thà chủ động còn hơn là để “nước tới chân mới… nhảy” thì đã muộn.