Đoàn kết, xây dựng quê hương giàu đẹp

(NTO) Huyện miền núi Bác Ái có 95% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số: Raglai, Churu, K’Ho, Chăm, Hoa... cùng sinh sống. Phát huy tinh thần yêu nước, kiên cường trong kháng chiến, các dân tộc trên địa bàn huyện Bác Ái hôm nay đang tiếp tục đoàn kết, chung một niềm tin vào Đảng, Nhà nước và cùng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bác Ái lần thứ I, với sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền đã thu được những thành quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Thanh

Về kinh tế, huyện xác định ngành sản xuất chính là nông nghiệp và tập trung lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học-công nghệ ứng dụng vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai hoang mở rộng đất sản xuất... tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm (2009-2014) đã thực hiện 68 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, trong đó có những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất lúa giống cao sản tại xã Phước Tiến cho năng suất đạt trên 5,5 tấn/ha; thí điểm trồng cây ăn trái ở Phước Bình, Phước Thành, thí điểm trồng cây cao su, cây lâm nghiệp ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Chính, Phước Thành... Mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động tại chỗ. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện những gương nông dân dân tộc thiểu số điển hình về sản xuất giỏi. Bà con các dân tộc cũng đang từng bước tận dụng, phát huy lợi thế kinh tế từ việc khôi phục và gìn giữ các nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm đặc thù của vùng đất Bác Ái như măng khô (đã được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ độc quyền), heo đen, gà thả vườn đã vươn xa và được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Đây cũng sẽ là một kênh quảng bá cho các tour du lịch sinh thái-văn hoá-ẩm thực... hứa hẹn một tương lai khởi sắc của vùng đất Bác Ái anh hùng trong thời gian tới.

Cán bộ hướng dẫn nông dân xã Phước Thắng kỹ thuật chăm sóc lúa nước.
Ảnh: Ngọc Hiển

Từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đồng bào các dân tộc thiểu số đã dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí trong đám cưới, đám tang, lễ hội. Các giá trị văn hoá truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy như sưu tầm sử thi, khôi phục lễ hội truyền thống, thành lập các đội văn nghệ dân gian,... đặc biệt Ngày hội Văn hoá Dân tộc Raglai năm 2013 đã thu hút trên 3.000 lượt người tham gia, thực sự trở thành ngày hội của không chỉ người Raglai mà cả các dân tộc anh em trong tỉnh. Hệ thống thủy lợi, điện, giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... được đầu tư xây dựng đồng bộ cũng góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi huyện nhà thêm khởi sắc. Giao thông thông suốt từ huyện đến xã, về tận thôn. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng kiên cố, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học. Các hồ chứa nước Sông Sắt, Phước Trung, Trà Co, với tổng dung tích trên 80 triệu m3 phục vụ tưới, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây trồng.

Nông dân Bác Ái phát triển chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Văn Thanh

Từ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân, kinh tế-xã hội của huyện Bác Ái trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt: chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đều đạt trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 8%, đến cuối năm 2013 giảm còn 38,1% (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,2 triệu đồng/người (năm 2008) lên 14 triệu đồng/người (năm 2013); tổng giá trị sản xuất năm 2013 đạt 556,4 tỷ đồng, tăng 390,35 tỷ đồng so với 2008; thu ngân sách đạt 7,3 tỷ đồng tăng 3,1 tỷ đồng so với 2008... Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, nhân dân Bác Ái đã đóng góp được 481 triệu đồng, 375 ngày công lao động và hiến 49.030 m2 đất... góp phần xây dựng các công trình nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua cùng với truyền thống đoàn kết và tinh thần nỗ lực vươn lên của nhân dân sẽ là tiền đề vững chắc để đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bác Ái tiếp tục nỗ lực, một lòng theo Đảng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đồng chí Cấn Thị Hà,
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Bác Ái:

Từ tháng 4 -2014, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bác Ái hân hoan, hướng về Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bác Ái lần thứ II (2014-2019). Đây là dịp tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập, công tác, lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của địa phương; tạo niềm tin vững chắc các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, khơi dậy lòng tin tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Qua đây, tôi mong muốn thời gian đến, Đảng, Nhà nước ta sẽ tiếp tục quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc phù hợp với chủ trương, chính sách; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao dân trí và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đồng chí Pilao Thị Thuynh,
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đại:

Lần đầu tiên được tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số, tôi rất vui mừng và cho rằng đại hội sẽ là sợi dây thắt chặt, củng cố hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc anh em trong huyện. Đại diện cho đội ngũ trí thức trẻ của đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Bác Ái, tôi mong muốn thời gian tới Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có những chương trình, chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là nâng cao dân trí và tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Là một cán bộ trẻ, một người con dân tộc Raglai, tôi nguyện sẽ tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình để góp phần xây dựng quê hương, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào Raglai nói riêng và các dân tộc anh em ở địa phương nói chung.

Ông Kator Đống
Nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Phước Tiến:

Đây là lần thứ 2 được tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bác Ái. Tôi hy vọng đại hội lần này sẽ có thêm nhiều mô hình sản xuất hay, sáng kiến phát triển kinh tế hiệu quả được giới thiệu và nhân rộng. Bà con dân tộc Raglai nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bác Ái nói chung đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên đa số đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi mong rằng thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ quan tâm hơn đến việc hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất; hỗ trợ bà con tạo thêm thu nhập để ổn định cuộc sống từ những ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình.