Vấn đề hôm nay:

Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

(NTO) Có thể nói, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh đối với người diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Đối với tỉnh ta, các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, đường ruột, đặc biệt là bệnh sởi đã xảy ra cục bộ ở một số xã, phường, tuy chưa bộc phát thành dịch do được ngành Y tế chủ động vừa khuyến cáo người dân, vừa tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa… nhưng cũng đã làm cho không ít người dân phải lo lắng, tạo tâm trạng bất an trong xã hội.

Gần đây, tiếp tục nổi lên dịch bệnh chết người đến…trên 90% đối với người mắc do virus Ebola gây ra bởi chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay virus Ebola đang lan truyền với tốc độ chóng mặt và gần như đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Do vậy, việc dịch bệnh Ebola lan ra khắp trên thế giới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngành Y tế chăm lo phòng, chống bệnh cho nhân dân địa phương.
Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) kiểm tra ký sinh trùng sốt rét.

Cũng theo thông tin từ tổ chức WHO, đến nay số người mắc bệnh đã trên 2.600 người, trong đó số người chết gần 1.430 người. Quốc gia có số người mắc bệnh nhiều nhất là Liberia (Li-bê-ri) với trên 1.080 người và đã có đến 624 người tử vong, kế đến là Guinea (Ghi-nê) tuy chỉ mới có 607 người mắc nhưng số tử vong lên đến 406 người…

Theo khuyến cáo, Việt Nam cũng có thể có nguy cơ lan truyền loại virus “giết người” hàng loạt nói trên thông qua “kênh” du khách vào nước ta, đồng thời do người công tác, lao động tại các nước đang xảy ra dịch bệnh này về nước… có khả năng sẽ mang mầm bệnh để lây truyền trong cộng đồng. Đến nay, dù chưa phát hiện trường hợp nào mắc nhưng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ động ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xấu xảy ra.

Tuy được mệnh danh là virus nguy hiểm nhất hiện nay nhưng theo các chuyên gia y tế cho rằng, người dân hoàn toàn có thể phòng tránh khả năng bị lây nhiễm, đó là phải luôn thực hành bài học "vỡ lòng": giữ gìn vệ sinh cá nhân, tại môi trường sống và làm việc, thường xuyên “ăn chín, uống sôi”, rửa tay bằng xà phòng, lau chùi nền nhà, vật dụng… bằng Chloramin B hoặc hóa chất diệt khuẩn. Điều cũng hết sức quan trọng là không tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đồng thời nếu bản thân thấy có dấu hiệu sốt hoặc nghi ngờ thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị… Đồng thời, ngày 14-8 vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn số 3925/UBND-VX gởi các sở, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola. Theo đó, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động các điều kiện phòng chống dịch, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nói trên tại cộng đồng và gia đình.

Mặc dù bệnh còn ở rất xa nước ta nhưng không vì lẽ đó mà lơ là mất cảnh giác. Phương châm: “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần được ngành Y tế và mọi người trong chúng ta thực hiện nghiêm túc để trước hết là tự tạo “kháng thể” miễn nhiễm với dịch bệnh, sau đó là bảo vệ cộng đồng trước các loại dịch bệnh trong đó có dịch Ebola như đã nói trên.