"Tuổi thơ ở đâu?"

(NTO) Ai cũng có tuổi thơ, vậy mà mấy “bác” cà phê sáng trong Ngày gia đình Việt Nam (ngày 28/6) năm nay hỏi nhau: Tuổi thơ ở đâu? để rồi có chuyện tranh luận chưa có hồi kết.

Mở đầu chuyên mục, “bác” trẻ tuổi nhất mang kính trắng, dáng dân trí thức vào đề: Tôi tưởng trẻ nhỏ chúng vô tư nhất, sung sướng nhất nhưng thực ra chúng khổ hơn cánh ta. Cứ suy từ con gái mình là biết, mới đầu năm thứ hai “đại học nhí” (lớp chồi-mẫu giáo) mà không có thời gian để chạy, nhảy như cha mẹ chúng thuở nào. Ngày học ở trường mẫu giáo, chiều về học luyện viết chữ, thứ bảy, chủ nhật học toán trí tuệ, tiếng Anh cho trẻ em. Con khổ cha mẹ cũng khổ theo bởi theo đưa đón chúng đi về cả ngày không còn thời gian gặp gỡ bạn bè, lo chuyện khác.

Tiếp chuyện, “bác” cán bộ khu phố lên tiếng: Nhà tôi gần trường tiểu học nên chứng kiến sự “cực nhọc” của các cháu học sinh nhỏ tuổi, có buổi trưa gần 13 giờ thấy các cháu lớp một đứa thì kéo, đứa đeo ba lô mà cái nào cũng to hơn người chúng, thế mới thấy “sức học”, “sức khoẻ” của các cháu bây giờ “ăn đứt” cha chú nó!?

Anh bạn ngồi bên lắng nghe từ đầu giờ gật gù lên tiếng: Nghe hai “bác” nói chuyện tôi mới nhận ra mình là người cha thiếu trách nhiệm với con cái. Đúng là con mình chẳng có thời gian chơi nhảy dây, đá cầu, ăn ô chữ…bởi chỉ có học và học. Cháu nhà tôi mới học lớp một, chương trình ngày hai buổi tại trường, tối về ôn bài, thứ bảy, chủ nhật học thêm chương trình nâng cao. Mình còn có ngày nghỉ chúng nó thì ngày nào cũng là ngày học. Nhiều lúc thấy cháu thẫn thờ, cha mẹ hỏi chẳng nghe, chẳng nói gì sất cứ như người máy vậy, có lẽ phải bàn với bà xã cải thiện tình hình ngay kẻo tuổi chơi, tuổi ngủ của con mình bị cái học nó “nuốt chửng”.

Chị phụ nữ cùng nhóm không đồng tình với mấy “bác”, chứng minh: Nói như mấy anh thì làm gì có mấy nhỏ buổi tối chúng chơi ném lon, đá banh, đua xe đạp trên đường phố ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nghe xong, anh tự nhận ”thiếu trách nhiệm” lúc nãy phân tích: Bà trẻ ơi sai rồi, mấy nhỏ đó là học sinh xếp loại học lực “tiên tiến” trở xuống, cha mẹ chúng mải làm ăn để chúng tự do, học như chúng thì sau này đứa “gặp may” mới tốt nghiệp trung học phổ thông còn thi đậu vào cao đẳng, đại học có mà mơ.

Nghe mấy “bác” cà phê sáng tranh luận, tôi nghiệm lại chuyện con cái gia đình mình thì quả là như vậy. Đứa con lớn đang học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 2, chỉ sau 22 giờ trở đi thì chúng mới có mặt đủ ở nhà và tôi thực sự áy náy về “tuổi thơ” của lũ nhỏ con mình. Sau này chúng trưởng thành, có gia đình, có con cái, nếu bọn nhỏ hỏi tuổi thơ ba mẹ như thế nào, không biết chúng tìm “tuổi thơ ở đâu” ra để kể cho con mình.