Ngành Giáo dục và Đào tạo: Nhiều nỗ lực cho năm học mới

(NTO) Đến nay, các địa phương, đơn vị trường học và cán bộ giáo viên trong tỉnh đang nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.

Đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2014-2015 tỉnh ta dự kiến có trên 134.500 học sinh học tại 325 cơ sở giáo dục, trong đó có 90 trường Mầm non với khoảng 2.900 trẻ; 152 trường TH với trên 57.000 HS; 63 trường THCS với khoảng 36.900 HS và 19 trường THPT với trên 17.000 HS. Năm nay, tỉnh ta thành lập mới trường THCS Đông Hải (Tp. Phan Rang Tháp Chàm), đáp ứng nhu cầu học tập tốt hơn cho con em vùng biển.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trong ngày tựu trường
năm học 2014-2015.Ảnh: Văn Miên

Bước vào năm học mới, một số trường THPT cũng được đưa vào sử dụng một số phòng học, công trình mới để có điều kiện dạy và học tốt hơn như: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sửa chữa khu ký túc xá và xây mới 11 phòng học; Trường THPT Trường Chinh (huyện Ninh Sơn) đưa vào sử dụng nhà đa năng thể dục thể thao… vào đầu tháng 8 vừa qua, Trường TH Hoài Nhơn, (huyện Ninh Phước) vừa được khởi công xây dựng mới với tổng kinh phí ước tính 6,1 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng từ nguồn vốn Xổ số kiến thiết tỉnh và 700 triệu đồng do cán bộ, công nhân viên chức ngành Giáo dục trong tỉnh đóng góp ủng hộ. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 1 năm 2015, chấm dứt tình trạng thiếu phòng học và phòng học xuống cấp. Từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, các Trường TH Xóm Bằng (huyện Thuận Bắc), Mẫu giáo Phước Ninh, Phước Nam (huyện Thuận Nam) và Mẫu giáo Phước Sơn (huyện Ninh Phước) cũng vừa được khởi công xây dựng công trình nhà vệ sinh, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2014.

Ngoài các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, các địa phương, trường học cũng đã chủ động thực hiện công tác xã hội hóa, huy động ngày công và nguyên vật liệu sẵn có để sửa chữa, mua sắm thêm trang, thiết bị, cải tạo cảnh quan môi trường học tập thân thiện, phù hợp với đặc thù của địa phương. Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay nhiều địa phương vẫn còn thiếu phòng học; nhiều trường, lớp do xây dựng quá lâu nên đã xuống cấp không còn có thể sử dụng, đặc biệt là các trường TH và Mầm non trên địa bàn huyện Ninh Phước và một số xã của huyện Thuận Nam, Ninh Sơn… Trong điều kiện khó khăn chung về ngân sách đầu tư hiện nay, Ngành GD&ĐT đã xây dựng một số giải pháp chủ yếu như: hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động sắp xếp lại sĩ số HS /lớp theo mức tối thiểu để tránh giãn lớp, tăng phòng học. Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan để ưu tiên vốn đầu tư xây dựng trường, lớp học đảm bảo đủ phòng học, phòng học bộ môn, nhà đa năng, giảm tối đa phòng học nhờ, học tạm; mỗi phòng học tối đa 2 ca, tiến tới tăng dần số trường phổ thông tổ chức học 2 buổi/ngày đạt mức 50% vào năm 2015 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Tham mưu cho tỉnh, tranh thủ các nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn ODA và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức Phi chính phủ, Ban đại diện Cha mẹ HS... để đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở nội trú cho HS.

Tất cả vì học sinh thân yêu

Để chuẩn bị bước vào năm học mới, cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động HS ra lớp và huy động xã hội hóa giáo dục để trang bị thêm sách vở, đồ dùng học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn, HS ở các xã miền núi... Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết, Bác Ái là địa phương có trên 90% HS dân tộc Raglai. Từ năm học 2013-2014, thực hiện theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015), nhiều HS dân tộc Raglai không còn được hỗ trợ chi phí học tập. Mặc dù không phải là con em hộ nghèo nhưng đa số gia đình các em cũng còn khó khăn, dẫn đến việc các em phải nghỉ học cách nhật để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình và mua sắm đồ dùng học tập. Để phần nào tháo gỡ khó khăn, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, ngay trong dịp hè, Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái đã tăng cường công tác xã hội hóa và vận động được gần 15.000 cuốn vở do các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nhằm trang bị cho những HS không thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập.

Không chỉ ở những xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn mà ngay các trường đóng trên địa bàn thành phố, thị trấn cũng đang tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cả cán bộ, giáo viên trong nhà trường để kịp có thêm những món quà ý nghĩa, những suất học bổng tiếp thêm nghị lực cho những HS vượt khó bước vào năm học mới. Với sự chung tay, sự nỗ lực và hết lòng vì HS thân yêu, tin rằng năm học 2014-2015 sẽ gặt hái nhiều kết quả trong sự nghiệp trồng người.