Tập trung nguồn vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

(NTO) Mặc dù hoạt động kinh doanh trong tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, song Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Ninh Thuận đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, cùng với việc giải ngân kịp thời nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, Ngân hàng tập trung thẩm định các dự án dài hạn của các doanh nghiệp (DN) đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để giải ngân nguồn vốn theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) về tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Phát huy lợi thế mạng lưới chi nhánh phủ kín 7/7 huyện, thành phố trong tỉnh, Agribank Ninh Thuận linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn tín dụng về nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng trên toàn tỉnh đạt trên 2.425,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 2,4%. Trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 1.850 tỷ đồng, với 30.464 lượt khách hàng vay (khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay chiếm trên 99%, với tỷ trọng vay vốn chiếm 76,3%). Từ khi triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng đã cho vay 3.776 tỷ đồng, với 36.900 lượt khách hàng vay vốn, trong đó đối tượng vay là cá nhân, hộ gia đình chiếm 99%.

Để tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay, Chi nhánh Ngân hàng Agribank các huyện, thành phố đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành lập các tổ vay vốn ở các thôn để khơi thông nguồn vốn về nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 468 tổ vay vốn, với trên 18.000 thành viên; tổng dư nợ các tổ vay vốn là 470,5 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa của ngành Nông nghiệp, Ngân hàng chú trọng mở rộng đối tượng vay ở các vùng chuyên canh cây trồng phục vụ nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp (mía, mì) và cây trồng truyền thống (nho, táo, tỏi), vì vậy nông dân có điều kiện mở rộng diện tích cây trồng, qua đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương mình.

Nhờ nguồn vay vốn tín dụng, nông dân Thuận Bắc có thêm nguồn lực
đầu tư phát triển trồng hành.Ảnh: Văn Miên

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNNVN cho vay vốn ở các lĩnh vực ưu tiên; phát triển mối quan hệ với các DN có các dự án, phương án kinh doanh quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, DN vừa và nhỏ để phát triển tín dụng và tăng trưởng các dịch vụ ngoài tín dụng đi kèm. Ngân hàng đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận và Công ty Cổ phần Thủy điện Hạ Sông Pha vay hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy, mua trang, thiết bị phục vụ sản xuất; nhiều dự án khác đang chuẩn bị giải ngân với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng còn thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn nợ đối với các DN có khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các dự án; thực hiện miễn giảm lãi vay đối với khách hàng thực sự khó khăn; giảm lãi suất gói tín dụng đã giải ngân về mức hiện hành, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc làm này của Ngân hàng không chỉ nhắm tới mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh để tăng trưởng tín dụng, mà góp phần thúc đẩy chính sách thu hút đầu tư của tỉnh để phát triển kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo ông Đặng Ngọc Ba, để thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng cả năm 17 % như kế hoạch đề ra, những tháng cuối năm, Agribank Ninh Thuận tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khơi thông nguồn vốn vay hướng về nông thôn. Ngân hàng thực hiện việc giao chỉ tiêu huy động vốn và dịch vụ ngân hàng đến cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn đơn vị, gắn với công tác thi đua để khuyến khích cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tập trung giải quyết các nhu cầu về vốn cho nông nghiệp, nông thôn, ưu đãi nguồn vốn vay cho các DN xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp để tăng năng lực tài chính, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khoản cho vay, nhất là các dự án lớn, khách hàng có dư nợ cao; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra sau tất cả các khoản vay của DN và các khách hàng có dư nợ lớn. Ưu tiên vốn cho đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể để củng cố, phát triển các tổ vay vốn nhằm tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất. Tiếp tục thực hiện các dịch vụ truyền thống để tăng thu ngoài tín dụng, bảo đảm doanh thu đạt kế hoạch đề ra.