Chợ phiên Phước Tiến

(NTO) Năm 2011, được sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế” do tổ chức Oxfam (Anh) tài trợ, chợ phiên Phước Tiến (Bác Ái) ngày càng nhộp nhịp, thu hút đông đảo người dân địa phương và tư thương ở vùng đồng bằng lên kinh doanh…

Ngay từ sáng sớm, người dân từ các thôn đã gùi, chở hàng hóa đổ về cho kịp chợ phiên. Chợ phiên Phước Tiến được họp từ 5 giờ đến 9 giờ sáng vào ngày thứ 6 hàng tuần tại trung tâm UBND xã Phước Tiến. Chị Chamaléa Thị Méo, thôn Suối Rua chia sẻ: Bản thân mình trước giờ chưa từng nghĩ tới việc đem heo, măng ra ngoài chợ bán. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ, bà con mình giờ tự tin hơn trong việc bán hàng dùng ký để cân, vì vậy hàng bán được giá hơn.

Chợ phiên Phước Tiến phong phú nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ
người tiêu dùng địa phương.

Ngoài các mặt hàng gia dụng, nông sản vốn có ở chợ, người đi chợ còn bắt gặp những hình ảnh người bán hàng đôi khi chỉ là một con gà, quầy chuối, cây, đàn Chapi, thịt heo đen, cá sông hay đơn giản chỉ vài mớ rau quả tự trồng và hái trong rừng… mang bản sắc văn hóa đồng bào Raglai. Chính điều ấy làm nên nét đơn sơ, dân dã của phiên chợ quê. Chị Trần Thị Tuyết, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến, cho biết: Tôi cảm thấy an tâm khi mua hàng hóa nông sản tại chợ phiên, bởi hàng hóa ở đây chủ yếu từ nguồn tự nhiên, không chất bảo quản, ... Là một trong những người đi đầu trong công tác vận động bà con tham gia bán hàng tại chợ phiên, ông Võ Văn Hùng-cán bộ phụ trách Dự án Oxfam của xã Phước Tiến cho biết: Các mặt hàng gia dụng được bày bán trong chợ phiên hầu hết đều sản xuất trong nước. Hàng hóa của các tiểu thương đưa về vùng sâu, vùng xa, với chi phí vận chuyển tốn kém hơn. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng duy trì, hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hơn nữa, giá cả bán tại chợ phiên lại rẻ hơn các mặt hàng được bày bán tại các hàng quán địa phương. Đặc biệt, các hộ đồng bào Raglai tham gia bán hàng nằm trong nhóm đăng ký, được Dự án Oxfam hỗ trợ tiền xăng, tiền ăn là 60.000 đồng/hộ bán/buổi. Nhờ đó, đã thu hút được 35-40 hộ tham gia bán hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương trao đổi hàng hóa ra thị trường; người tiêu dùng đã biết đến nhiều hơn các loại hàng hóa do bà con sản xuất, nhất là mặt hàng nông sản mà lâu nay không có điểm tiêu thụ. Thông qua chợ phiên đã tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc Raglai tiếp cận được với thị trường, kỹ năng bán hàng, mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng phổ thông…

Phước Tiến là xã miền núi thuộc huyện Bác Ái, có trên 90% đồng bào Raglai sinh sống. Với tập tục và thói quen sinh hoạt “tự cung, tự cấp”; sống khép kín trong cộng đồng, vì thế người dân còn gặp nhiều khó khăn về giao tiếp bằng tiếng phổ thông; các sản phẩm nông nghiệp làm ra không đem bán ngoài chợ, mà chỉ qua trao đổi tại các hàng quán và giữa các hộ dân với nhau nên thường bị “thiệt” về mặt giá cả! Vì vậy, việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động chợ phiên là nhu cầu thiết thực với tình hình thực tế tại địa phương. Đây là dấu hiệu tích cực nâng cao được năng lực tham gia thị trường, thay đổi nhận thức của bà con để kết nối thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng cao.