Lãng mạn lễ hội “Mưa phố núi”

(NTO) Diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10-8 tại TP Đà Lạt, lễ hội “Mưa phố núi” là một trong những sự kiện đáng chú ý của Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Thành phố Đà Lạt đang chìm trong những cơn mưa. Từng cơn mưa chợt đến lại chợt đi, giăng mờ núi đồi, xóa nhòa dáng người đi trên phố, chảy tràn trên những con dốc quanh co, nhảy múa trên mặt hồ. Mọi năm, vào dịp này, Đà Lạt khá vắng vẻ, buồn bã nhưng mùa mưa năm nay, thành phố “mưa bay” bỗng trở nên sôi động, rộn ràng bởi những bước chân du khách hối hả về dự lễ hội mưa. Bạn Phạm Thu Lan, 25 tuổi, đến từ Phan Thiết (Bình Thuận) hào hứng chia sẻ: “Đây là ý tưởng khá độc đáo nên dù khá bận rộn với công việc nhưng em và người yêu vẫn quyết tâm thu xếp lên Đà Lạt tham dự”.

Du khách hào hứng với lễ hội mưa Đà Lạt.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Nằm trên độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt là một trong những địa phương có lượng mưa trung bình hằng năm lớn nhất Việt Nam. Mùa mưa ở đây thường kéo dài 6 tháng, đây cũng là thời gian các hoạt động du lịch tại địa phương rất trầm lắng. Sau nhiều lần trăn trở, chúng tôi quyết định tổ chức lễ hội mưa nhằm biến hiện tượng bất lợi của thiên nhiên thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch”.

Bên cạnh yếu tố “thức thời” của những người làm du lịch, công bằng mà nói, bản thân mưa Đà Lạt cũng có sự hấp dẫn và vẻ đẹp riêng. Mưa Đà Lạt không ào ạt, dữ dội như những cơn mưa rào miền Nam, không rét mướt, tê tái như những cơn mưa mùa đông miền Bắc. Mưa Đà Lạt nhẹ nhàng, dìu dặt từng cơn, vừa đủ khiến cho du khách cảm nhận cái se lạnh của phố núi và nỗi buồn mênh mang của đất trời. Mưa “xông” lên mùi nồng của đất, mùi ngai ngái của nhựa thông, mùi hương hoa cỏ, mùi cà phê, bắp nướng. Mưa khiến cho đôi tình nhân khi xa nhau càng thêm nhớ, khi ở gần nhau càng xuốn xích lại gần hơn. Mưa khiến phố phường Đà Lạt thêm mộng mơ, huyền ảo và nhịp sống của người dân cũng trở nên chậm rãi, yên bình. Lễ hội “Mưa phố núi” chính là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp mưa Đà Lạt đến với du khách.

Với chủ đề “Quyễn rũ mưa Đà Lạt”, lễ hội có 5 chương trình chính, gồm: Triển lãm ảnh nghệ thuật “Lãng mạn mưa Đà Lạt”; con đường mưa “Romance Palace; trình diễn thời trang “Catwalk mưa Đà Lạt”; không gian cà phê “Đợi mưa”; chương trình nghệ thuật “Cơn mưa mùa hạ”.

Một trong những “điểm nhấn” của lễ hội là chương trình “Con đường mưa Romance Palace”, 350 cặp đôi cầm ô, mặc áo đôi màu tím cùng nhau đi trên con đường mưa. Dẫn đầu là cặp “Đại sứ mưa” do Hoa hậu Đặng Thu Thảo và người mẫu Duy Linh đảm nhiệm. Từ khuôn viên khách sạn Palace, đoàn người đi đến nhà hàng Thủy tạ bên bờ hồ Xuân Hương, con đường được che bởi hằng trăm chiếc ô đủ màu sắc trên cao, hai bên được trang trí những thảm hạc giấy, chong chóng cùng với hệ thống âm thanh phát ra những bản hòa tấu mưa lãng mạn. Tại nhà hàng Thủy tạ, các cặp đôi được Ban Tổ chức mời tham quan triển lãm ảnh: “Lãng mạn mưa Đà Lạt”, thưởng thức trà, rượu vang miễn phí. Tiếp đó, họ lên xe đạp đôi và pedalo (thuyền thiên nga) di chuyển một vòng quanh hồ Xuân Hương. Đoàn diễu hành kết thúc tại Quảng trường Lâm Viên và tham gia vào màn fashmob sôi động. Vẻ đẹp của mưa Đà Lạt, sự giao cảm tuyệt vời giữa con người và mưa đã được khắc họa rõ nét trong màn diễu hành độc đáo này.

Chương trình nghệ thuật “Cơn mưa mùa hạ” diễn ra trong 2 đêm. Đêm thứ nhất, các nghệ sĩ trình diễn những ca khúc về mưa đang được giới trẻ yêu thích như: Dấu mưa, Vết mưa, Gọi mưa, Cơn mưa tình yêu… Đêm thứ 2 là những bài hát mưa nổi tiếng từ thấp kỉ 60 đến thấp kỉ 90 của thế kỉ trước. Chương trình “Catwalk mưa Đà Lạt” là cuộc thi thời trang mưa do Thành đoàn Thành phố Đà Lạt tổ chức và trình diễn giới thiệu hơn 100 bộ sưu tập gồm jăc-két, bu-dông, ba-đờ-suy, măng-tô, ô, túi xách, bốt.. sử dụng để mặc đi mưa.

Triển lãm ảnh “Lãng mạn mưa Đà Lạt” giới thiệu 20 bức ảnh khổ 1mx1,5m do các nghệ sĩ nghiếp ảnh địa phương thực hiện. Bằng tình yêu quê hương và góc máy tinh tế, các nghệ sĩ đã mang tới cho công chúng những khoảnh khắc tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người Đà Lạt trong mưa.

Ban Tổ chức cho biết, tất cả các chương trình đều mở cửa miễn phí. Các nghi thức cũng đã được cắt bỏ để tập trung cho phần “hội”. Du khách và người dân trở thành “nhân vật chính” của lễ hội. Được biết, trong thời gian diễn ra lễ hội, hầu hết khách sạn lớn trên địa bàn Thành phố Đà Lạt đã chật kín phòng, điều đó cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của lễ hội mưa.