Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt – Lào

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 6299/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển nhằm phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Lào từ chỗ chậm phát triển, kém phát triển trở thành phát triển (giai đoạn đến năm 2020) và phát triển mạnh, làm nòng cốt trong các khu vực kinh tế động lực phát triển của địa phương với cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng hợp lý, phát huy cao độ các lợi thế so sánh về tài nguyên và thương mại; kết quả hoạt động của ngành công nghiệp, thương mại đóng góp tỷ trọng chủ yếu vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trên tuyến biên giới.

Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, đối với công nghiệp chế biến nông, lâm sản, giai đoạn đến năm 2020 sẽ khai thác và phát huy công suất của các nhà máy chế biến nông sản sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như chè (Mộc Châu, Thanh Chương), cà phê, cao su (Ngọc Hồi, Đăkglêi), dong riềng (Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên), tinh bột sắn, tinh bột ngô (Mai Sơn, Mộc Châu, Hướng Hóa), đồ gỗ (Con Cuông, Vũ Quang, Hương Khê, Quảng Ninh), luồng (Lang Chánh, Thường Xuân), sữa và các sản phẩm sữa (Mộc Châu, Hương Sơn), mủ cao su (Mai Sơn, Tuyên Hóa, A Lưới, Nam Giang)…

Đối với công nghiệp sản xuất và phân phối điện, sẽ tiếp tục vận hành và khai thác 25 công trình thủy điện tại 14 huyện biên giới Việt Nam – Lào; đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 85 công trình thủy điện tại 25 huyện biên giới…

Đối với ngành thương mại, sẽ phát triển hệ thống chợ thị trấn, chợ trung tâm các huyện biên giới đặt tại các thị trấn huyện, nơi dân cư sinh sống tập trung; chủ yếu có quy mô hạng II, diện tích tối thiểu từ 2.000 – 3.000 m². Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào dự kiến nâng cấp cải tạo 39 chợ, xây mới 6 chợ. Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống chợ biên giới, cửa khẩu; hệ thống chợ xã (không giáp đường biên) thuộc các huyện biên giới…

Bên cạnh đó, dự kiến, xây mới 43 siêu thị, 4 trung tâm mua sắm, 3 trung tâm thương mại nhằm phục vụ tiêu dùng của cư dân tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thương nhân và nhà đầu tư.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư để sớm hình thành và hoàn thiện các hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận bao gồm: hệ thống kho ngoại quan và hạ tầng cho dịch vụ hải quan, hệ thống kho bãi tập kết hàng hóa và bãi đỗ xe… tại 3 Khu kinh tế cửa khẩu (nhóm A) gồm Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh); Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum)…

Nhiều giải pháp thực hiện quy hoạch

Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ Công Thương đã đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Vận dụng các chính sách hiện hành về hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đối với khu vực biên giới Việt Nam – Lào để phát triển ngành công nghiệp và thương mại, nhất là trong đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng chợ… Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn theo hướng đầu tư có trọng điểm.

Bên cạnh đó, áp dụng chính sách ưu đãi hơn cho tuyến biên giới Việt Nam – Lào là khu vực còn nhiều khó khăn cần được quan tâm và hỗ trợ để tạo đà phát triển; hợp tác, liên doanh để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, phát triển các ngành, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và kinh doanh, liên kết chế biến sản phẩm phục vụ nhu cầu tại chỗ, nhu cầu trong nội địa và xuất khẩu;…

Nguồn www.chinhphu.vn