Tiêu chí thu nhập có quá khó thực hiện?

(NTO) Có thể nói, trong số các tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thì tiêu chí thứ 10 về nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó thực hiện nhất trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, mặc dù năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 432/2013/QĐ-TTg ngày20-2-2013 về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đồng thời hướng dẫn thực hiện quy định mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới khu vực nông thôn cả nước theo tiêu chí nói trên cho năm 2013 và năm 2014; ngày 18-3-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Công văn số 938/BNN – VPĐP quy định mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, mức thu nhập bình quân cả nước khu vực nông thôn năm 2014 phải đạt là 23 triệu đồng/người, cao hơn 2 triệu đồng so năm 2013. Riêng các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ là 21 triệu đồng/người, ngoại trừ các xã thuộc Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thì thu nhập bình quân đầu người/năm chỉ cần đạt tương đương vùng trung du miền núi phía Bắc trở lên (16 triệu đồng/người). Vậy thu nhập của hộ bao gồm những gì?. Theo quy định chung, các hộ có nguồn thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông, lâm nghiệp, thủy sản (sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); Thu từ tiền công, tiền lương; Thu khác được tính vào thu nhập như thu do biếu, mừng, lãi tiết kiệm…đều được tính chung là thu nhập.

Nông dân xã Phước Thuận trồng nho đạt hiệu quả kinh tế cao góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Sơn Ngọc

Nhìn từ thực tế tỉnh ta cho thấy trong tổng số 47 xã xây dựng NTM đa phần là thuần nông. Một số xã có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng…nên phát triển các cây trồng như nho, táo, hành, tỏi…có thu nhập tương đối cao và khả dĩ mới có thể đạt tiêu chí về thu nhập nhưng rất bấp bênh vì còn lệ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường tiêu thụ. Đa số các xã khác chỉ thuần cây lúa nhưng diện tích không nhiều nên chỉ giải quyết lương thực cho gia đình là chính, phần lúa “hàng hóa” chỉ đủ chi phí đầu tư sản xuất mà thôi. Ngoài ra, nhiều nông hộ còn chăn nuôi nhưng nhỏ lẻ; làm một số nghề “tay trái” như làm thuê, phụ hồ, bóc vỏ hạt điều… nhưng cũng thiếu ổn định nếu không muốn nói là chỉ “được chăng hay chớ” mà thôi.

Cân phân mà nói, những năm gần đây, thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã chỉ đạo rốt ráo và đầu tư cho các xã, trong đó tập trung ở 11 xã chọn làm điểm tại các huyện. Đặc biệt đối với tiêu chí số 10, các địa phương đã chú trọng đến phát triển sản xuất thông qua các mô hình như sản xuất lúa nguyên chủng, bắp lai, rau an toàn… Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nhiều địa phương đã liên tục ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất và đã hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả…Chỉ tính đến hết năm 2013, riêng nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông hộ trên 4.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi nếu có “tổng” các nguồn thu thì tại nhiều địa phương đáp số "đúng" cũng khó đạt mức bình quân 21 triệu đồng/người như theo quy định của năm 2014 này.       

Vấn đề đặt ra là, để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, thiết nghĩ, việc trước mắt là cần thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung và mở rộng các ngành nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm cho nông hộ làm ra thông qua liên kết “4 nhà”. Việc song hành giải quyết 2 vấn đề này sẽ là giải pháp hiệu quả cho bài toán nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn một cách ổn định, bền vững.