Tăng cường chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên

(NTO) Ngày 30-7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội nghị về thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

 
Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2009 đến nay, việc thực hiện thực hiện các cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi giáp Tây Nguyên theo Công văn số 558/TTg-ĐP của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại một số hiệu quả thiết thực. Các huyện đã nhận 366 tỉ đồng để đầu tư, xây dựng 83 đề án về an sinh xã hội, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương có hạn, quá trình thực hiện ở cơ sở còn nhiều lúng túng nên kết quả đạt được còn khá khiêm tốn, một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp, chưa có những tác động lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo “Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020” của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến năm 2020, toàn vùng phấn đấu có trên 85% cán bộ chuyên trách và trên 95% công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên; nâng cao tỉ lệ cán bộ chuyên trách đạt chuẩn về lí luận chính trị; cán bộ, công chức người Kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số sử dụng được tiếng dân tộc; trên 80% cán bộ, công chức ở cơ sở được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, tin học văn phòng…

Về chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020, các đại biểu đề nghị các cơ chế, chính sách cần tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế; phát huy lợi thế về đất đai; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực, bố trí, ổn định dân cư, trồng rừng bù lại diện tích rừng mất do xây dựng thủy điện và xử lí một số vấn đề bức xúc về môi trường…