Ấn tượng từ Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ X

(NTO) Liên hoan Nghệ thuật quần chúng (NTQC) là hoạt động được tổ chức định kỳ hai năm một lần được LĐLĐ tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức nhằm tạo sân chơi, giao lưu văn hóa-văn nghệ cho cán bộ, CNVC-LĐ và cán bộ, chiến sĩ các LLVT trong tỉnh.

Tại liên hoan NTQC tỉnh lần thứ X diễn ra trong 3 ngày (25 đến 27-7) vừa qua, đã gây ấn tượng không chỉ đối với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh mà còn đối với những nghệ sĩ của hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng trong vai trò Ban giám khảo. Bởi chưa khi nào, một kỳ liên hoan NTQC lại quy tụ được dàn diễn viên không chuyên đông đảo; số lượng tiết mục thì “đồ sộ” và phong phú về thể loại đến như vậy!

Hầu hết các tiết mục tham gia tại Liên hoan được dàn dựng công phu, quy tụ đông đảo diễn viên biểu diễn.

So với Liên hoan NTQC lần thứ IX- năm 2012, thì năm nay, số lượng đoàn NTQC tham gia tăng 6 đoàn; số lượng tiết mục nhiều hơn gấp đôi và có một số thể loại mới như hợp xướng, đồng ca, độc tấu nhạc cụ dân tộc- những loại hình cao cấp trong âm nhạc được các đoàn NTQC biểu diễn một cách khá chuyên nghiệp. Đáng kể, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận đã tạo không khí mới lạ với màn biểu diễn hợp xướng liên khúc “Tự nguyện”-“Bài ca xây dựng” và tiết mục đồng ca “Tổ quốc gọi tên mình”, có nhóm múa phụ họa, quy tụ gần 40 diễn viên tham gia biểu diễn, khiến không ít khán giả cảm thấy “choáng ngợp”. Càng thú vị hơn khi lần đầu tiên, trong kỳ liên hoan NTQC của tỉnh ta mà thành viên Ban giám khảo đã “thưởng nóng” cho một tiết mục. Đó là trường hợp nhóm múa “Thương quá Việt Nam” của đoàn NTQC huyện Thuận Bắc với phong cách trẻ trung, chuyên nghiệp khiến giám khảo- nhạc sĩ Đình Nghĩ (Trưởng đoàn Ca-múa-nhạc Lâm Đồng) tặng 500.000 đồng động viên thay lời khen ngợi. Điều đó chứng tỏ, các đoàn NTQC trong tỉnh đã chuẩn bị khá kỹ càng khâu chọn diễn viên.

Ngoài yếu tố con người, các đoàn NTQC tham gia hội diễn còn có ý thức xây dựng chủ đề xuyên suốt của toàn bộ chương trình diễn của đơn vị mình. Các đoàn đều có sự đầu tư khá tốt, có nhiều tiến bộ về tổ chức, lực lượng diễn viên tham gia, cũng như về nghệ thuật, phục trang, đạo cụ. Các tiết mục ở các thể loại cấu trúc trong chương trình khá hợp lý, phù hợp với chủ đề và đảm bảo được thời lượng quy định. Ngoài những tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, các Đoàn NTQC còn sáng tạo trong cấu trúc, dàn dựng chương trình gắn kết những ca khúc hát về truyền thống của ngành, đơn vị mình, ca ngợi về những đổi mới đi lên của đất nước, quê hương.

Đặc biệt, dường như “không hẹn mà gặp”, tại Liên hoan lần này, cả 21 đoàn NTQC đều chọn mảng đề tài ca ngợi chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc làm chủ đề xuyên suốt chương trình biểu diễn. Chính vì vậy, sự trùng hợp ngẫu nhiên như chọn cùng 1 bài hát, cùng loại hình để thể hiện đã mang đến bất ngờ và thú vị cho chính các đoàn NTQC và khán giả đến xem. Đơn cử, tần số xuất hiện của các ca khúc về biển, đảo chiếm 50% số lượng tiết mục dự thi của các đoàn (bao gồm cả đơn ca, song ca, múa và tiểu phẩm). Hay như ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” (Thơ: Phan Quế Mai, nhạc: Đinh Trung Cẩn) được biểu diễn gần 20 lượt khiến Ban giám khảo phải suy xét, cân phân. Lý giải điều này, anh Nguyễn Hải, phụ trách đoàn NTQC huyện Ninh Sơn (đơn vị đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Liên hoan) chia sẻ: Khi cả nước đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa thì việc mang đến liên hoan những ca khúc hát về biển, đảo của Tổ quốc cũng là cách để chúng tôi góp thêm việc làm thiết thực trong tuyên truyền biển, đảo của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh hiện nay. Có lẽ vì thế mà không riêng gì đoàn NTQC huyện Ninh Sơn mà tất cả các đoàn tham dự liên hoan cũng có chung mục đích ấy.

Ngoài các thể loại hát và múa thì hòa tấu nhạc cụ dân tộc có phần khiêm tốn về số lượng tiết mục nhưng đã đóng góp vào bức tranh chung đầy đủ thể loại ca, múa, nhạc, kịch của liên hoan. Đáng kể có hòa tấu nhạc cụ Chăm của đoàn NTQC huyện Thuận Nam, độc tấu đàn tranh của huyện Thuận Bắc, độc tấu kèn Sa-ra-nai của huyện Ninh Phước, độc tấu đàn bầu của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm…cho thấy tài năng của những CNVC-LĐ chẳng thua kém gì nghệ sĩ thực thụ. Có thể xem đây là điểm khởi sắc đáng mừng và đánh dấu sự phát triển, nở rộ của phong trào văn nghệ quần chúng gắn kết với bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc. Riêng ở loại hình kịch, nhiều đơn vị đã lựa chọn những gương mặt diễn viên mới với kịch bản tự biên dựa trên câu chuyện thời kỳ kháng chiến, thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước hay những mảng đề tài xã hội, gia đình mang tính truyền thông, giáo dục cao.

Khép lại Liên hoan NTQC tỉnh lần thứ X- năm 2014, đồng chí Phan Quốc Anh, đồng Trưởng ban tổ chức Liên hoan khẳng định: Trong sự thành công của Liên hoan lần này phải kể đến sự chuẩn bị chu đáo của các huyện, thành phố, các ngành trong việc tổ chức hội diễn NTQC tại địa phương, đơn vị mình để chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất tham gia liên hoan toàn tỉnh. Bằng lời ca tiếng hát, cán bộ, CCVC-LĐ và cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã “cháy” hết mình trên sân khấu dành cho những người nghệ sĩ không chuyên. Càng ấn tượng hơn khi chính các đoàn NTQC đã nói lên tình cảm của mỗi người dân hướng về biển, đảo của Tổ quốc, góp phần cho công tác tuyên truyền biển, đảo hiện nay. Bên cạnh đó, thêm khẳng định phong trào NTQC của tỉnh nhà có được sự định hướng đúng đắn để phong trào ngày càng phát triển bền vững.